Hậu Giang: Tháo “nút thắt” để tăng chỉ số PCI
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 của Hậu Giang đã tụt hạng so với năm trước đó. Vì thế, nhiều cơ quan chuyên môn đều cho rằng tỉnh phải quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần bị giảm điểm và tiếp tục hoạch định chiến lược thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào địa bàn.
Doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị đánh giá chỉ số PCI.
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua kết quả thực hiện PCI năm 2015 cho thấy Hậu Giang đã cố gắng từng bước khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn không ít lĩnh vực tỉnh chưa đạt được và có chiều hướng giảm điểm nên cần quan tâm cải thiện trong thời gian tới.
Nhiều chỉ số thành phần tăng điểm
Năm 2015, chỉ số PCI của Hậu Giang đứng vị trí thứ 36 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng vị trí thứ 9 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 10 chỉ số thành phần, có 4 chỉ số tăng điểm gồm: chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tiếp cận đất đai về sự ổn định trong sử dụng đất, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt là đứng đầu cả nước về chỉ số chi phí gia nhập thị trường, đạt 9,23 điểm, tăng 0,48 điểm so với năm 2014 và đây là chỉ số tăng mạnh nhất của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, cho biết: Thời gian qua, thủ tục hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, từng bước giải quyết không ít chi phí, thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Cụ thể, là thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư đã rút ngắn thời gian quy định đáng kể. Nếu như trước đây, mất 12 ngày mới có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dấu, mã số thuế thì hiện nay chỉ còn 1,5 ngày. Còn thời gian cấp chủ trương đầu tư giảm xuống trung bình 10 ngày (quy định 30 ngày)… Ngoài ra, tỉnh đã tiến hành rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, chi phí gia nhập thị trường của Hậu Giang đứng đầu cả nước và luôn được cải thiện tốt trong 3 năm liền. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Doanh nghiệp chỉ cần 15 ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều này giúp cho địa phương nằm trong top 3 so với cả nước. Mặt khác, thời gian đăng ký doanh nghiệp chỉ trong vòng 5 ngày đã đưa tỉnh lọt vào top 1. Từ đó, tính năng động của lãnh đạo địa phương được đánh giá cao; với 5,99 điểm; đứng vị trí thứ 4 so với 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 84,76% doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; có 74,07% doanh nghiệp cho rằng cán bộ nhà nước nhiệt tình, thân thiện; 44,44% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính trong 2 năm không gặp khó khăn; 67,11% doanh nghiệp khẳng định lãnh đạo tỉnh có sáng kiến hay nhưng chưa được thực thi cấp cơ sở, ngành.
Cần hoạch định chương trình dài hơi
Ông Nguyễn Văn Di, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang, cho biết: Hiện nay, khó khăn của công ty là việc tuyển dụng lao động. Trong 6.000 lao động đang làm việc tại công ty chỉ có 1.000 lao động ở Hậu Giang, do đó tỉnh nên chuẩn bị lực lượng lao động tại chỗ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tuyển dụng. Chưa kể, việc xuất khẩu sản phẩm chủ yếu do công ty tự tìm khách hàng, bởi tỉnh chưa có trung tâm xúc tiến doanh nghiệp để hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc tìm kiếm đối tác.
Còn theo ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận Thành - Hậu Giang, do tỉnh chưa thực hiện được liên thông giữa các đầu mối sở, ngành với nhau nên còn gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu tỉnh tháo gỡ được “nút thắt” này sẽ rất thuận lợi trong việc giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng thành lập, triển khai dự án trên địa bàn. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, khẳng định: Hậu Giang được đánh giá cao về môi trường kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên, đào tạo lao động đang là vấn đề lo ngại, số lao động tốt nghiệp nghề còn thấp. Đặc biệt, Hậu Giang còn thiếu doanh nghiệp lớn để dẫn dắt và kết nối.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Lam, hiện tại tỉnh có 20 dự án FDI tổng vốn 1,35 tỉ USD. Bình quân chung cả nước là 14 triệu USD/dự án; ĐBSCL là 13,9 USD/dự án; còn Hậu Giang ở vào khoảng 7,5 triệu USD/dự án. So với khu vực ĐBSCL, Hậu Giang có 3.300 doanh nghiệp chỉ ở mức trung bình. Vì thế, để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tỉnh cần được hoạch định chương trình dài hơi. Trong đó, cần một chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh và hiệu quả, mang tính cụ thể; kết hợp với chương trình đào tạo nguồn lực doanh nghiệp mới cho địa phương.
“Tỉnh cần quan tâm thu hút thêm doanh nghiệp lớn để dẫn dắt doanh nghiệp khác đầu tư vào địa bàn tỉnh, cũng như có chương trình đào tạo nguồn lao động mang tính lâu dài. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các dịch vụ kinh doanh và xúc tiến thương mại. Đồng thời, cần có sự đo lường và đánh giá giữa kỳ đối với cơ quan quản lý nhà nước, kể cả việc xây dựng chiến lược marketing không chỉ trong nước mà còn quốc tế…”, ông Lam đề xuất.
Năm 2015, tổng số điểm PCI của Hậu Giang đạt 58,33 điểm. Bên cạnh 4 chỉ số thành phần tăng điểm, có 6 chỉ số giảm điểm đã làm cho Hậu Giang bị tụt hạng. Đó là chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, chỉ số đào tạo lao động, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số cạnh tranh bình đẳng và chỉ số thiết chế pháp lý. |
Bài, ảnh: T.XOÀN