The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hậu Giang trong thời gian tới phải hội đủ “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”

Tỉnh Hậu Giang Đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân là sức mạnh để phát triển toàn diện trong giai đoạn mới.
Với tất cả quyết tâm và khát vọng nâng tầm phát triển tỉnh Hậu Giang trong tương lai. ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ kêu gọi tất cả các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, tập hợp thành sức mạnh quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương đạt được các mục tiêu vươn tầm trong giai đoạn mới.
Sáng 26/8, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị để thực hiện sơ kết, tổng kết và triển khai 7 chuyên đề quan trọng. Đến thời điểm này, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo chương trình đề ra.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết; Qua quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 21 và kết luận số 28 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 40 của tỉnh về cải cách hành chính và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 9 của Bộ Chính trị về xây dựng phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng được mở rộng, năm 2020 đạt 38.300 tỷ đồng, gấp 8,2 lần so với năm 2004; thu nội địa đạt 3.800 tỷ đồng, tăng bình quân 19,6% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II, III; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,8 lần so với năm 2004.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư và thay đổi rõ nét; nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Từ đó, đã kết nối khá tốt với các địa phương trong vùng và phục vụ tích cực cho giao thương kinh tế và đi lại của người dân.
Môi trường đầu tư được quan tâm và cải thiện qua các năm, thu hút được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ doanh nhân đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh,…
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực các chỉ số cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị của tỉnh được tập trung đầu tư, nâng cấp, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khang trang hơn.
Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao và các lĩnh vực xã hội được chăm lo, phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,78 triệu đồng/năm, tăng gấp 8,8 lần so với năm 2004; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo từ mức gần 24% đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 3,46%.
Lĩnh vực Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững ổn định, không có điểm nóng, không có khiếu kiện đông người kéo về Trung ương, đã góp phần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, không ngừng củng cố, vững mạnh toàn diện cả về số lượng và chất lượng, có gần 34 ngàn đảng viên, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2004. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy tốt, mối đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào tôn giáo, dân tộc được tăng cường; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những hạn chế và nhiều khó khăn, thách thức cần được cải thiện
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Nghiêm Xuân Thành còn chỉ ra một số mặt hạn chế và nhiều khó khăn, thách thức đan xen đã được nêu trong báo cáo và các tham luận tại hội nghị;
Được biết, Hậu Giang vẫn là tỉnh có qui mô kinh tế nhỏ nhất trong các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long; chỉ chiếm 4% tổng GRDP vùng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn đầu phát triển cao có xu hướng giảm dần trong các giai đoạn trở lại đây: giai đoạn: 2004 - 2010 (12,1%); giai đoạn 2011-2015 giảm còn (6,27%); giai đoạn 2016- 2020 giảm còn 5,26%, điều đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng giai đoạn này thấp hơn bình quân cả nước (5,9%).
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm mạnh trong giai đoạn 2015-2020, từ 52% giai đoạn trước giảm chỉ còn 27,04%.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm dần trong các giai đoạn trở lại đây (ICOR là một chỉ số cho biết muốn có thêm một đơn vị sản lượng trong một thời kỳ nhất định cần phải bỏ ra thêm bao nhiêu đơn vị vốn đầu tư trong kỳ đó): giai đoạn 2004 - 2010 là 2,94; giai đoạn 2010 - 2015 là 6,3; giai đoạn 2015 - 2020 là 6,7.
Năng suất lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn thấp, chỉ bằng 70% khu vực. Không có các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao.
Hệ thống kết cấu hạ tầng trong tỉnh vẫn còn chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, hạ tầng đô thị một số tiêu chí còn thấp so với quy định, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu, chưa có quỹ đất sạch, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, chưa thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là chưa thu hút được dự án quy mô lớn.
Nguồn thu ngân sách địa phương thấp và chỉ đáp ứng 70% nhu cầu chi thường xuyên. Số doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn còn hạn chế, thể hiện 3 doanh nghiệp đóng góp tới hơn 50% thu ngân sách nội địa toàn tỉnh: Riêng Xổ số kiến thiết chiếm tới 27%.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển, qui mô và chất lượng dịch vụ còn thấp.
Các chỉ số cải cách hành chính khá tốt nhưng còn thiếu tính bền vững: còn có chỉ tiêu quan trọng giảm thấp, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) từ nhóm 10 trước đó giảm mạnh xuống 52/63 tỉnh thành; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp loại trưởng bình và có 4/10 nội dung giảm điểm.
Thu nhập và đời sống nhân dân tuy có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp so với mặt bằng chung. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,46% (năm 2020), cao hơn mức bình quân chung của khu vực ĐBSCL và cả nước (tỷ lệ hộ nghèo của khu vực ĐBSCL là 1,83% và tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 2,75%).
Phải đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng.
Bên cạnh đó, Bí thư tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, cũng trăn trở và luôn luôn kỳ vọng vào sự đổi mới, đột phá và khát vọng của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang trong tương lai;
Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành chương trình hành động số 50 ngày 9/8/2021 về bổ sung, điều chỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14 và Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13. Đồng thời thông qua Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, và 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh một số định hướng sau:Chương trình hành động và định hướng chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới phải hội đủ “đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Điều đó thể hiện qua các mục tiêu kế hoạch phát triển quyết tâm hoàn thành:
Tăng trưởng kinh tế cao hơn khu vực, giai đoạn 2020 - 2025 tăng 7- 7,5%, cao hơn khu vực và cả nước tối thiểu 0,5%; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung cả nước là 1%/năm.
Thu ngân sách nội địa: giai đoạn 2020 - 2025 cao hơn tối thiểu 15% so với Nghị quyết Đại hội và thu ngân sách nội địa giai đoạn 2020 - 2030 tăng bình quân 14,2%/năm, phấn đấu năm 2030 đảm bảo cân đối thu chi ngân sách địa phương. Với mục nhiêu này thu ngân sách sẽ tăng 4 lần so với hiện nay.
Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trên 143 triệu đồng, gấp gần 3 lần Mức thực hiện năm 2020. Để thực hiện thành công các mục tiêu đột phá và kỳ vọng trên, toàn hệ thống chính trị của tỉnh cần đồng thuận và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược:
Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị của Tỉnh.
Hai là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt trên một số lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác.
Tập trung cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh từng năm và cả nhiệm kỳ. Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực, phát triển đô thị thông minh kinh tế số; tăng cường ứng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội.
Ba là, quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang phát triển bứt phá. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông,…đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó cụ thể hoá các mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện.
Đồng thời, sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Hậu Giang đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Song song đó, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển: Ưu tiên tăng tỷ trọng chi đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, nhất là chi giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển khu công nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân, thu hút thành công doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.
Tập trung toàn lực tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, nâng cao năng suất, hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường.
Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các vấn đề xã hội: chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Chăm lo đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm môi trường an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức hoạt động và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát.
Ông Nghiêm Xuân Thành cũng rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Đặc biệt về giáo dục phổ cập mầm non, cũng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xoá mù chữ cho người lớn. Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị các cấp uỷ, chính quyền cần quan tâm khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra một cách hiệu quả nhất. Cân đối nguồn lực từ ngân sách và đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được trình bày tại Hội nghị. Đặc biệt là những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận đặt trong bức tranh tổng thể về tình hình dịch bệnh Covid tại các tỉnh phía Nam và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Với sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, toàn hệ thống chính trị đã tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ, xuyên suốt.
Ban Chấp hành ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo trách nhiệm, kịp thời, sâu sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp cơ sở; sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu chống dịch, Tổ Covid cộng đồng và cấp uỷ, chính quyền các địa phương…
Trước tình hình dịch Covid-19 Thế giới và trong nước đang diễn biến ngày càng phức tạp, toàn hệ thống chính trị cần tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong trạng thái mới. Thực hiện thành công chiến lược thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” bền vững, dần đưa nhịp sống và khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.