The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang: Nắm bắt thời cơ, chủ động hội nhập

Nhìn lại thành tựu qua 30 năm đổi mới của đất nước, phải nói đến lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với những đóng góp mang ý nghĩa to lớn cho sự phát triển KT-XH. Trong dòng chảy đó, Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang luôn nỗ lực bảo đảm quyền lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung phát triển ngày càng bền vững.

Được thành lập kể từ năm 2008 đến nay, số lượng, chất lượng hội viên Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng phát triển. Từ 69 hội viên sáng lập với 4 chi hội, số lượng hội viên của Hiệp hội nay đã lên đến con số 205 cùng 11 chi hội trải đều ở tất cả các huyện và thành phố của tỉnh. Với chức năng là cầu nối giữa các doanh nghiệp (DN) hội viên và cơ quan hữu quan của Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN trong mọi hoạt động, những năm qua, Hiệp hội đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng các văn bản chính sách pháp luật và quy định của địa phương có liên quan đến DN. Trong đó, việc xây dựng được cơ sở dữ liệu về các văn bản pháp luật trên website của Hiệp hội tại địa chỉ: http://hiephoidoanhnghieptuyenquang.com đã giúp hội viên kịp thời nắm bắt nội dung những văn bản pháp luật mới liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Trung tâm Hợp tác đầu tư và Phát triển DNNVV… tổ chức hội thảo, mở lớp, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về chuyên môn, pháp luật, CNTT, quản trị DN, tài chính kế toán… nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nhân, DN về công tác quản lý DN và chuyên môn nghiệp vụ, thúc đẩy xây dựng DN phát triển bền vững.
Minh chứng rõ ràng nhất là Chương trình Cà phê doanh nhân - kênh thông tin đối thoại giữa chính quyền và DN được Hiệp hội tổ chức đều đặn nhiều lần trong năm, thường xuyên công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tuyên Quang đã thực sự tạo môi trường cho các DN trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin thị trường và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các Hiệp hội DN tỉnh bạn để tạo sức mạnh trong liên kết, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Tin tưởng vào hướng đi của Hiệp hội, các thành viên cũng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư thiết bị công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Chủ động tham gia vào việc đề xuất và thực hiện các chương trình, dự án nhằm tăng cường vai trò tiên phong của các DN đối với quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Qua những nỗ lực và hiệu quả tích cực trong SXKD và trách nhiệm xã hội, nhiều hội viên của Hiệp hội đã nhận được các giải thưởng quốc gia như Giải thưởng Bạch Thái Bưởi; Doanh nhân Đất Việt thế kỷ 21; Cúp Vàng sản phẩm Việt hợp chuẩn WTO; Danh hiệu Doanh nghiệp Việt Nam Vàng… Chính từ những bước đi đúng đắn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hiệp hội và các DN thành viên mà PCI của tỉnh năm 2014 từ vị trí 63 đã vươn lên vị trí thứ 50 của cả nước năm 2015, rút ngắn khoảng cách thứ hạng PCI tới 13 bậc chỉ sau một năm.
Không chỉ chuyên tâm cải thiện chỉ số PCI, Hiệp hội luôn chú ý thúc đẩy sự phát triển của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Hiệp hội đã đề nghị với Ban chỉ đạo CPI cấp tỉnh phối hợp thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, tiến hành điều tra xã hội học 6 tháng/lần về đổi mới phục vụ tại các phòng, ban từ tỉnh, các cấp, ngành đến các phòng ban liên quan phục vụ DN, người dân. Kết quả là 6 tháng đầu năm 2015 đã đánh giá xếp hạng lần 1 được 25 Sở, ngành; 7 huyện, thành phố và 35 chức danh. Điều này đã tạo ra sức lan tỏa, tạo thứ hạng cạnh tranh giữa các đơn vị được khảo sát điều tra.
Thông qua việc chấm điểm DCI, hệ thống cơ quan cấp huyện có thể nắm được công cụ để sử dụng và thực hiện công tác cải cách và cách thức cung cấp dịch vụ công cho các DN trên địa bàn huyện. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu cho việc hoạch định chính sách vĩ mô, góp phần tăng thêm động lực cải cách và đổi mới cho đội ngũ lãnh đạo huyện, thành thị nhằm đáp ứng kịp nhu cầu kinh doanh chính đáng của cộng đồng DN và người dân. Tạo cơ sở dữ liệu thuận tiện cho lãnh đạo tỉnh đánh giá năng lực cạnh tranh khách quan của các Sở, ngành, đơn vị, góp phần phát triển chỉ số cạnh tranh chung của tỉnh. Từ đó, thay đổi tư duy tiêu cực về quản lý Nhà nước sang tư duy phục vụ người dân, DN.
Đặc biệt, cùng với Nghị quyết 19/NQ-CP, sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đổi mới môi trường kinh doanh giai đoạn mới bằng việc ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 trên tinh thần lấy DN là đối tượng phục vụ đã trở thành nguồn sinh khí mạnh mẽ để Hiệp hội DNNVV tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh phát triển hội viên, tạo động lực và phát huy tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn. Từ đó, khẳng định vị thế của Hiệp hội là mái nhà chung, nơi hội tụ, liên kết và hỗ trợ các DNNVV phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả SXKD, dịch vụ, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
P.V
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại