The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hộ kinh doanh không “chịu lớn” thành doanh nghiệp: Đâu là rào cản?

Đó là vấn đề được các chuyên gia “mổ xẻ” tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” chiều ngày 10/4 do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức.

Hộ kinh doanh không “chịu lớn” thành doanh nghiệp: Đâu là rào cản?

Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn và ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam tại tọa đàm. Ảnh: NB

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Một trong những giải pháp là tạo điều kiện, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật DN. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đang gặp không ít khó khăn.

Thuế, chi phí cao, đoàn đến “thăm” lại nhiều

Theo Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, “cản trở” nằm ở thủ tục và nhiều nhất là ở thủ tục thuế, kế toán.

Ông Tuấn phân tích, khi chuyển lên thành DN, hồ sơ thuế, kế toán phức tạp hơn. DN phải thuê kế toán, bình quân ít nhất phải trả lương 5 triệu/tháng, tính cả năm mất 60 triệu. Đây là con số không nhỏ đối với hộ kinh doanh cá thể.

Trong khi đó, khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì được thực hiện theo mức thuế khoán, lập sổ sách ít hơn, “không gian” để thỏa thuận với cán bộ thuế lớn hơn.

Thậm chí, theo ông Tuấn, tại một buổi công bố kết quả khảo sát đối với 500 hộ kinh doanh, một nguyên lãnh đạo thuế còn phát biểu, có việc, cán bộ thuế hướng dẫn hộ kinh doanh “lách” thuế sao cho hiệu quả.

“Điều này thể hiện môi trường kinh doanh chưa minh bạch. Quan hệ tốt, thuế khoán thấp, quan hệ chưa tốt, mức khoán cao, quan hệ không tốt thì mức khoán thuế cao hơn”, ông Tuấn nhận định.

Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết thêm về tình trạng, một số hộ kinh doanh cá thể sau khi chuyển đổi lên thành DN thấy “ân hận”. Vì, thủ tục thuế, kế toán phức tạp, mất nhiều chi phí, thời gian, nếu làm sai phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Chưa kể, điều tốt đẹp chưa thấy, đã thấy các đoàn từ phòng, cháy chữa cháy, đến các đoàn thể khác đến “thăm”.

Cùng quan điểm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam lưu ý, để hộ kinh doanh cá thể “chịu lớn” lên thành DN thì cần có những cách sách hỗ trợ cụ thể. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ còn “mờ nhạt”, chưa bảo đảm tính nhất quán và còn “vênh” nhau.

Dẫn quy định, hỗ trợ DN nhỏ và vừa tiếp cận mặt bằng sản xuất, nhưng đối chiếu với Luật Đất đai thì lại không thấy được điều này, theo ông Nam, chính vì vậy, DN chưa thấy được những chính sách hỗ trợ có thể giúp họ vượt qua được khó khăn không.

Không để chương trình chuyển đổi chỉ là “tuyên ngôn”

Theo các chuyên gia, để các hộ kinh doanh cá thể “chịu lớn” lên thành DN một cách hiệu quả, bền vững cần môi trường kinh doanh thuận lợi, có chính sách tốt, cơ chế hỗ trợ cụ thể.

Ông Tuấn nói rõ, một chính sách tốt là làm sao tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng. Có nghĩa, những DN kinh doanh trong khu vực chính thức không thua thiệt hơn so với DN làm ăn ở khu vực phi chính thức.

Theo đó, phải rà soát xem chính sách nào đang cản trở thì tháo gỡ; đơn giản hóa thủ tục, làm sao để có thủ tục thuế, kế toán thân thiện và tối thiểu phải có 1 lộ trình từ 1- 2 năm để các hộ kinh doanh cá thể sau khi chuyển đổi thành DN làm quen.

“Chỉ khi nào lợi thế về giảm thuế không còn nữa thì đồng lực chuyển lên thành DN sẽ tích cực hơn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Tô Hoài Nam, phải có những động lực cụ thể như khi chuyển đổi không mất phí, mức thuế không thay đổi nhiều…. Quan trọng nhất là được tham gia cung ứng dịch vụ công, ưu tiên về mặt bằng sản xuất.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, bền vững hay không phải nằm ở động lực kinh tế, để hộ kinh doanh cá thể thấy khi chuyển thành DN có hiệu quả hơn, chứ không phải chỉ là những “tuyên ngôn dễ đi vào lòng người”.

Còn trước tình trạng, khi gặp vấn đề, DN thường chọn phương pháp đầu tiên là “thỏa hiệp” mà không nhìn lại các quy định pháp luật, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng, để thay đổi không dễ, nhưng cần phải làm.

Ông Nam đề nghị, trường hợp cán bộ đến kiểm tra, thanh tra đến DN chỉ vì muốn bới móc, dọa nạt, có động cơ khác, không phải để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thì phải xử lý nghiêm với biện pháp mạnh.

“Nếu xử nghiêm, các đoàn thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là ở cơ sở sẽ giảm đi rất nhiều”, ông Nam nói cùng với đó, phải tuyên truyền để người làm chủ DN không có tư duy “thỏa hiệp” là biện pháp đầu tiên.

Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành DN không được chạy theo thành tích. Đây là mục tiêu quan trọng để thực hiện.

Thảo Nguyên

Báo Thanh tra