The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hộ kinh doanh không muốn lớn thành doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân khiến số lượng lao động phi chính thức ở Việt Nam ở mức rất lớn, chiếm tới hơn 50% lực lượng lao động là do một số lượng lớn hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Đây là thông tin được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ tại phiên thông tin về thước đo việc làm phi chính thức tại Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày hôm nay, 3-10 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Khắc Giang, thuộc Nhóm nghiên cứu Chính trị - Xã hội của VEPR, hiện nay cả nước có 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể, sử dụng khoảng 8,2 triệu lao động, trong đó 60% trong số này nằm trong khu vực phi chính thức. Nếu chuyển được số hộ này lên thành doanh nghiệp thì một số lượng lớn lao động phi chính thức sẽ chuyển sang khu vực chính thức, có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có điều kiện lao động tốt hơn.

Tuy nhiên, không dễ để chuyển được hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Ví dụ, theo điều tra của VERP, tiệm giày HA hoạt động trên 20 năm, hệ thống có 2 cửa hàng lớn nhưng chưa sẵn sàng đăng ký thành doanh nghiệp, dù nếu chiếu theo quy định thì cửa hàng này bắt buộc phải đăng ký, khi có đến hơn 20 người làm công. Chủ tiệm cho biết không đăng ký doanh nghiệp vì sợ không đáp ứng được quy định về lao động, do phần lớn lao động không có hợp đồng. “Tuyển lao động chân tay thì khó mà bắt họ ràng buộc với mình càng khó hơn", chủ tiệm cho biết.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp. Theo điều tra của VERP, chi phí chính thức bao gồm ba yếu tố chính: thuế và các khoản chi khác, khoản chi cho lao động, và các khoản chi không chính thức khác quá cao khiến nhiều hộ không mặn mà chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự cứng nhắc trong các quy định về lao động làm cho người sử dụng lao động không muốn thuê nhân viên chính thức.

Theo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017, 9-11% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% tổng thu nhập.

Bên cạnh đó, thiếu khả năng tiếp cận thị trường, vốn, công nghệ cũng là rào cản chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hầu hết các hộ kinh doanh cá thể sử dụng vốn tự có hoặc đi vay bạn bè, người thân thay vì từ những kênh chính thức. Việc thiếu kỹ năng quản lý là một thách thức khác cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể này. Đa số các hộ kinh doanh cá thể không có kỹ năng kế toán. Cụ thể như có tới 62% hộ kinh doanh cá thể tại Hà Nội và 79% tại TPHCM không có hồ sơ hoặc không ghi chép kế toán, dù chỉ là ghi chép đơn giản.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động phi chính thức cao còn có nguyên nhân từ phía thị trường lao động. Theo nghiên cứu trên, tính cạnh tranh cao của việc làm tại khu vực chính thức cũng khiến lao động dễ bị tổn thương hơn. Có 6,4 triệu lao động phi chính thức làm việc ở khu vực chính thức, chiếm 31% số lượng lao động tại khu vực này. Tức những lao động này, dù làm việc tại các công ty hoặc cơ quan nhà nước nhưng chỉ dưới dạng hợp đồng ngắn hạn, dưới 3 tháng hoặc làm dưới dạng cộng tác viên nên không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bên cạnh đó, hiện tượng doanh nghiệp tìm cách đào thải lao động trên 35-40 tuổi diễn ra thường xuyên ở nhiều khu công nghiệp, tạo ra rủi ro về việc làm cho những đối tượng trên. Theo đó, càng cao tuổi thì tỷ lệ làm việc ở khu vực phi chính thức càng cao. Cụ thể, nhóm tuổi 24-35 có tỉ lệ việc làm phi chính thức ở mức 47%, tỷ lệ này ở nhóm 35-40 là 53%, 59% đối với nhóm tuổi 40-44 và 63% đối với nhóm tuổi 44-55.

Thuỳ Dung

The Sai Gon Times