Hỗ trợ để doanh nghiệp “tăng tốc”
Trước quyết tâm cao của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực “tăng tốc”. Đồng hành cùng doanh nghiệp, các ngành chức năng, các cấp có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho sự vươn lên của lực lượng này...
Việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đang dần phát huy tác dụng, nhưng không phải là mọi việc đều đã suôn sẻ. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công tác rà soát, phát hiện những bất cập trong các văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện các luật cần được xác định là việc thường xuyên. Đây là mục tiêu xuyên suốt, đòi hỏi sự kiên trì và cầu thị của các cấp điều hành, nhằm tạo cơ chế quản lý thông thoáng, thân thiện với DN.
Theo đánh giá của DN, sự bất tiện, bất hợp lý gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh xuất hiện từ nhiều góc độ và rất đa dạng. Bà Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Tâm cho biết, đơn vị thường thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại (TTTM) và phải xuất trình giấy tờ chứng nhận vị trí, sơ đồ, số hiệu quầy ở nơi kinh doanh. Trong khi đó, chủ các TTTM thường sắp xếp lại cơ cấu mặt bằng, dẫn đến việc các quầy bị thay đổi vị trí. Mỗi lần như vậy, Công ty lại phải hủy giấy cũ, xin xác nhận, nộp giấy tờ chứng nhận mới, rất mất thời gian. Đây chính là một loại “giấy phép con” phát sinh do cơ quan quản lý yêu cầu và gây phiền toái cho DN.
Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh Sơn kiến nghị hoàn thiện hệ thống giao thông để hỗ trợ DN. Đặc biệt, nếu giảm được nạn ùn tắc giao thông thì hàng hóa sẽ được vận chuyển nhanh, vừa phòng tránh ô nhiễm do khói bụi cũng như tiết kiệm được thời gian cho DN và xã hội. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức cần tự giác thay đổi tư duy, không nên phân biệt thành phần kinh tế cũng như có niềm tin đối với DN dân doanh để mạnh dạn trao cơ hội cho họ. Cần xác lập tư duy cởi mở, vì DN, trong các cơ quan công quyền. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng cũng phải đẩy nhanh, nhất quán, tránh ảnh hưởng đến kế hoạch của DN.
Ngoài ra, việc giải quyết thủ tục bảo hiểm còn phức tạp cũng gây khó khăn cho DN, hoặc dẫn đến thiệt thòi cho người lao động; DN cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận, xin xác nhận quyết toán thuế, hoặc các thông tin liên quan đến thuế. Theo ông Nguyễn Văn Đực, đại diện Công ty TNHH Đất Lành, các cơ quan quy hoạch, xây dựng, kế hoạch và đầu tư… cần tăng cường cung cấp thông tin, chủ động áp dụng công nghệ thông tin để phổ biến rộng rãi đến cộng đồng và DN. Mặt khác, việc sử dụng đại trà các cổng giao tiếp điện tử, trang web sẽ giúp DN tiếp cận thông tin một cách nhanh gọn, minh bạch; đỡ mất thời gian đi lại và giảm giao tiếp trực tiếp với cán bộ, giảm nguy cơ phát sinh hiện tượng tiêu cực. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho biết, cần tiếp tục rà soát, phát hiện để loại bỏ những quy định không cần thiết khi triển khai dự án đầu tư.
Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Ninh… đã công bố việc hỗ trợ DN là mục tiêu hàng đầu để phát triển kinh tế trên địa bàn, trong khi nhiều địa phương cũng đang tăng tốc cải cách hành chính, hướng tới cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với việc xác định mục tiêu vì DN. Riêng Hà Nội đã lập kế hoạch triển khai hai nghị quyết trên, phấn đấu đứng trong nhóm đầu các địa phương có chất lượng điều hành khá và có thêm 200 nghìn DN thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020.