Hỗ trợ doanh nghiệp còn vướng lợi ích cục bộ
16 Tháng 2, 2017
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt nhưng một số bộ ngành vì lợi ích cục bộ, chưa thực sự thay đổi về nhận thức, cơ chế chính sách phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung tại dự thảo báo cáo nhanh triển khai nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Báo cáo nêu rõ, qua việc triển khai nghị quyết 35 của VCCI và nắm bắt tình hình triển khai tại các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy đây là nghị quyết toàn diện, có tầm nhìn dài dạn, mang tính chất đột phá về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Nghị quyết thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Nghị quyết nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Khởi động nhiều chương trình quan trọng
VCCI cho biết, sau khi nghị quyết được ban hành, một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với doanh nghiệp. Như, Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Bộ Công Thương sau khi rà soát, công bố kết hoạch cắt giảm hơn trăm thủ tục hành chính, trong năm 2016 vừa qua đã chủ động bãi bỏ Thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo... và đang lên kế hoạch bãi bỏ, đơn giản hoá rất nhiều thủ tục khác.
Đa số các tỉnh, thành phố đã thực sự vào cuộc tích cực, hưởng ứng cùng Chính phủ. Một số địa phương đi đầu trong việc triển khai nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Tuy nhiên, nhận xét từ VCCI là chuyển động của một số bộ, ngành địa phương còn chậm. Một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai xây dựng các đề án về cải cách hành chính theo sự phân công của Thủ tướng. Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn chậm so với tiến độ đề ra.
28/2 công bố quy định tốt nhất và tồi nhất
Nghị quyết 35 giao cho VCCI nhiều nhiệm vụ, trong đó có điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, không chính thức đối với doanh nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ này, trong năm 2016, cơ qua này đã tiến hành nhiều điều tra lớn, quy mô toàn quốc như: điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI với 10.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, 1.500 doanh nghiệp FDI tại 14 tỉnh, thành phố. VCCI còn tiến hành hai cuộc điều tra về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về ngành thuế và hải quan.
Tất cả các cuộc điều tra này đều tập trung vào đánh giá các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang gánh chịu, so sánh qua thời gian và quốc tế. Chỉ số chi phí không chính thức trong bộ chỉ số PCI là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ phổ biến và sự cải thiện của chi phí không chính thức mà doanh nghiệp gánh chịu tại các địa phương.
Hiện VCCI đang triển khai nghiên cứu độc lập để có bức tranh tổng thể hơn về nội dung này, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, qua tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp, VCCI đã đề xuất nhiều chính sách giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp như kiến nghị về giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm phí dịch vụ vận tải đường biển… Các kiến nghị của VCCI đã được các cơ quan ban hành chính sách nghiên cứu tiếp thu, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia, tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động, VCCI cùng với các hiệp hội doanh nghiệp đối thoại với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện cho người lao động các cấp trong việc xây dựng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
VCCI cũng đã kiên trì trong việc đề nghị rà soát, bãi bỏ các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí và thủ tục hành chính, dành thời gian và nguồn lực tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thông tin từ báo cáo là VCCI đã tiếp tục thực hiện dự án bình chọn các quy định pháp luật tốt và không tốt.
Cụ thể, thời gian qua cơ quan này đã nhận được gần 10.000 đề cử trên toàn quốc về các quy định tốt nhất và không tốt nhất, đã tiến hành họp hội đồng chuyên gia, xử lý thông tin để lập danh sách ngắn 30 quy định. VCCI gửi công văn tới các cơ quan chủ trì soạn thảo để xin thông tin bổ sung và tiến hành soạn thảo báo cáo.
Hiện nay báo cáo đã gần hoàn thành, dự kiến công bố vào ngày 28/2/2017 tới.
Nguyên Vũ