Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trả lời trước lo ngại được báo giới nêu ra: Liệu Nghị quyết 35 có rơi vào tình trạng “đầu ngọ nguậy, nhưng chân tay không nhúc nhích”, tại buổi Họp báo chuyên đề về Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 27/5.
Minh chứng cho điều đó, Thứ trưởng Đông cho biết, trong buổi làm việc với TP. Hà Nội mới đây, quyết tâm của các lãnh đạo địa phương này trong việc cải thiện chỉ tiêu đăng ký doanh nghiệp đã được thể hiện rất rõ, thông qua những ý tưởng, quan điểm mạch lạc của Chủ tịch UBND Thành phố và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
“Tôi tin rằng việc giải quyết những vấn đề cụ thể trong đăng ký doanh nghiệp, chỉ tiêu mà Hà Nội đang ở vị trí thấp, thì có thể lên được tốp 10 trong cả nước. Đây là minh chứng về sự “nhúc nhích của chân tay”, ông Đông nói.
Chi phí phi chính thức là vấn đề nhức nhối
Tại buổi họp báo, việc giảm chi phí cho doanh nghiệp theo quy định trong Nghị quyết 35 cũng được trao đổi sôi nổi.
|
Theo đó, bên cạnh chi phí chính thức, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp còn phải gánh chịu nhiều loại chi phí phi chính thức khác.
Bà Hằng nói: “Qua rất nhiều cuộc điều tra, đặc biệt tại điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hầu hết ở các thủ tục kinh doanh có điều kiện, hầu như các doanh nghiệp đều nói có chi phí không chính thức. Câu hỏi của chúng tôi đưa ra chỉ là có chi phí không cính thức hay không, còn mức độ bao nhiêu thì rất khó đánh giá cụ thể”.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà thì cho rằng, chi phí không thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra là vấn đề nhức nhối và cũng cần phải có được các con số. Số liệu này cần rõ ràng, mặc dù có thể không thống kê được hết, nhưng kết quả điều tra ban đầu là hết sức quan trọng.
“Tôi cũng đã từng phát biểu, có một số khoản kêu gọi xã hội hóa cũng là một loại phí mà nhiều doanh nghiệp chắc chắn không dám từ chối vì sợ. Một số ông thì tự nguyện đóng góp, song lại được được cơ quan nhà nước cho hưởng quyền lợi lớn hơn nhiều. Điều này làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra nhóm lợi ích, nhóm thân hữu”, ông Hà nói.
Có thể không tiếp nếu thanh tra quá 1 lần/năm
Một trong những điểm mới được đánh giá cao tại Nghị quyết 35 là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá 1 lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.
Ông Lê Mạnh Hà cho rằng, việc quy định cụ thể về công tác, thanh kiểm tra doanh nghiệp là một trong những điểm mới quan trọng của Nghị quyết 35. Nếu điều này được thực hiện nghiêm túc sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Trước đó, trong phần trình bày những nội dung chính của Nghị quyết 35, ông Hà cũng đã cho hay, theo phản ánh cho thấy, còn có những doanh nghiệp bị kiểm tra hàng tuần; tuy nhiên, đây mới là “có nghe thông tin, chứ chưa có doanh nghiệp phản hồi thực”, ông nói.
“Nếu kiểm tra doanh nghiệp mà anh cứ vào rồi lại ra, tuần này vừa kiểm tra xong tuần sau lại tới chứng tỏ là anh không làm việc nghiêm túc. Còn nếu họ vi phạm, không chịu khắc phục thì anh có quyền đình chỉ. Do đó, với quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước”, ông Đông chia sẻ.
Tuy vây, tại cuộc họp, một số ý kiến đặt câu hỏi ngược lại: “1 năm chỉ thanh kiểm tra một lần liệu có quá ít, dễ bỏ sót lỗi tại doanh nghiệp?”. Ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Trước hết chúng ta hãy tin tưởng doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Nhà nước là phải phân loại được, khoanh vùng những doanh nghiệp có nguy cơ cao. Phát hiện rồi, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục, thì cơ quan nhà nước sẽ xử lý sai phạm bằng các nghiệp vụ khác nhau. Điều này là nhằm hạn chế việc thanh kiểm tra một cách thường xuyên những doanh nghiệp mà họ hoạt động bình thường, minh bạch”.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng chia sẻ, đặt ra quy định như vậy để hạn chế quyền lực của các cơ quan quản lý làm khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó không có nghĩa là dung túng, bao che cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vi phạm, thì tất nhiên sẽ phải làm tới cùng.
Bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết thêm, trong Nghị quyết 35 nêu rất rõ, đề nghị các cơ quan nhà nước khi thanh kiểm tra, thì kế thừa kết quả thanh, kiểm tra trước. Điều này để tránh tình trạng trùng lặp trong việc thanh tra kiểm tra. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả cần nêu cao vai trò của các UBND tỉnh./.
Duy Thái