Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh Bắc Ninh – Cẫn những nỗ lực mới trong hành động
Sáng ngày 14/12, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “ Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tham dự hội thảo có sự hiện diện của đại diện Hội DNNVV Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, các DNNVV đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như: Tính thiếu minh bạch của môi trường, thể chế; thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền kéo dài; thiếu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; thiếu nhân lực chất lượng cao để quản trị doanh nghiệp…đòi hỏi cần phải có những giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn.
Tham dự Hội thảo, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội đã trình bày bài tham luận “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Bắc Ninh – Đã đến lúc cần hành động”. Nội dung trình bày đã chỉ rõ những lý do tại sao cần phải hành động từ các góc độ: Từ phía điều hành của chính quyền, từ phía doanh nghiệp, từ phía môi trường kinh doanh, từ xu hướng cải cách thể chế. Khi mà những khẩu hiệu hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước đã trở nên dư thừa; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngày càng tăng lên, sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực của nhà nước gia tăng, chỉ số PCI có dấu hiệu giảm, thì điều cấp bách lúc này là năng lực hành động để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực chất hơn. Điều này cũng thêm một minh chứng cho thông điệp về xây dựng chính phủ, chính quyền kiến tạo, phục vụ.
TS. Nguyễn Phương Bắc trình bày tại buổi hội thảo
Từ phân tích những lý do đa chiều trên, TS đã đề xuất những giải pháp nhằm hỗ trợ thực chất DNNVV, biến những chủ trương, lời nói thành hành động. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực của cả các cấp chính quyền và bản thân doanh nghiệp, trong đó Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đổi mới hoạt động; vận động thay đổi văn hóa ứng xử giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng cần thay đổi thói quen, hạn chế việc tiếp tay cho thương lượng, chi phí không chính thức, tuân thủ pháp luật, đề cao giá trị liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, thời gian qua, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh xây dựng và triển khai mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” nhằm tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp, tham gia thúc đẩy việc giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp theo quy định. Đây là sáng kiến mới bổ sung vào hệ thống cách thức hỗ trợ và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV trên địa bàn tỉnh.