Hòa Bình cần phát huy hơn nữa tiềm năng đất đai, khoáng sản
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình
Một góc thành phố Hòa Bình
Thông báo kết luận nêu rõ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình có quyết tâm chính trị cao và khát vọng lớn hơn, cần phát huy hơn nữa lợi thế so sánh về địa lý đặc biệt liền kề Thủ đô, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và tiềm năng đất đai, khoáng sản để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch, phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình cần tập trung mọi nỗ lực, hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017; thực hiện tốt Nghị quyết số 75/NQ - CP ngày 09/8/2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2018; nhận định, đánh giá, phân tích tình hình, tính toán kỹ khả năng thực hiện để xác định các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai thực hiện.
Bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng hơn các năm trước; giải quyết công việc kịp thời, trách nhiệm cao theo tinh thần phục vụ, củng cố niềm tin với người dân và doanh nghiệp. Quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Hòa Bình có 5.000 doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế rừng bền vững và xây dựng nông thôn mới; nhân rộng một số mô hình nông nghiệp có hiệu quả cao trên địa bàn.
Phát triển công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, sử dụng nhiều lao động, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu ngân sách cho Tỉnh; thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ngành du lịch Hòa Bình thành một ngành kinh tế quan trọng dựa trên lợi thế so sánh gắn phát triển du lịch với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tỉnh Hòa Bình cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giải quyết tốt việc làm và thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo bền vững theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển: Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) đạt 7,88%; trong đó nông nghiệp tăng 3,27%; công nghiệp tăng 10,68%; dịch vụ tăng 7,79%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,12% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn đầu tư đạt 53% kế hoạch; Tỉnh đã thu hút 31 dự án đầu tư nước ngoài và 419 dự án đầu tư trong nước; bước đầu đã khai thác tốt tiềm năng phát triển du lịch, lượng khách du lịch tiếp tục tăng, trong đó, khách quốc tế đạt trên 135 nghìn lượt. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ: Tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo kịp thời, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3% so với năm 2016; đã quan tâm và làm tốt công tác dân tộc, lồng ghép nhiều chương trình, dự án như: Hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng khó khăn. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. |