The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hoà Bình: Chuẩn bị môi trường kinh doanh thuận lợi để đón làn sóng đầu tư

Với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã tin tưởng đến với tỉnh Hoà Bình, trong đó có những NĐT lớn, tiềm năng.
Tỉnh Hòa Bình nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, là cửa ngõ kết nối Hà Nội và vùng Tây Bắc. Với xu hướng phát triển thành phố vệ tinh, thành phố thông minh của vùng Thủ đô đã giúp Hòa Bình mở ra cơ hội rất lớn để phát triển.
Theo Báo Hoà Bình, xác định rõ lợi thế và đứng trước yêu cầu có sự phát triển đột phá hơn về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm chỉ đạo việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp (DN) có năng lực đến đầu tư tại tỉnh, góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, tỉnh Hoà Bình đã chú trọng xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi với NĐT. Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng... Các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chức năng luôn lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của DN, NĐT để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, BHXH, lao động...; rà soát, cắt giảm TTHC, chi phí cho DN.
Những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh, Tổ công tác đôn đốc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh đã tổ chức 3 hội nghị đối thoại với các NĐT dự án để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện và tổ chức các buổi làm việc, kiểm tra thực địa các dự án. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các TTHC, tập trung gỡ khó cho NĐT.
Theo đó, tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ NĐT một số TTHC đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận góp vốn bằng QSDĐ trên địa bàn tỉnh. Ban hành văn bản hướng dẫn một số thủ tục về đấu giá QSDĐ; nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, cho thuê QSDĐ nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu giá QSDĐ gắn với tài sản trên đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Đồng thời, UBND tỉnh xây dựng quy định trình tự thực hiện các TTHC đối với dự án có sử dụng đất, đầu tư bằng vốn ngoài NSNN trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xây dựng tiêu chí áp dụng lựa chọn hình thức đấu giá QSDĐ, đấu thầu lựa chọn NĐT để thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ NĐT thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thực hiện dự án.
Với sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, những năm gần đây, nhiều NĐT đã tin tưởng đến với tỉnh, trong đó có những NĐT lớn, tiềm năng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, trong đó có 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.894 tỷ đồng. Có 463 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp; 101 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp; 27 dự án đầu tư trong nước trong các cụm công nghiệp và 33 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Có 345 dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động SX-KD; 279 dự án đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng và các thủ tục pháp lý khác. Năm 2020, Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hoà Bình tăng 4 bậc so với năm trước là minh chứng ghi nhận cho những nỗ lực của tỉnh.
Để cải thiện mạnh môi trường đầu tư, nâng cao điểm số và cải thiện thứ hạng PCI, UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh thì các cấp, ngành, địa phương cần gắn trách nhiệm trong cải thiện chỉ số, đưa nội dung này vào kiểm điểm, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng hằng năm của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, cần khẩn trương hoàn thành, công khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, trong đó cần xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thủ tục pháp lý để NĐT có thể triển khai ngay dự án sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy phát triển DN. Khẩn trương hoàn thành thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) để đưa vào áp dụng từ năm 2022, qua đó thúc đẩy hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.