Hòa Bình: Giải pháp khắc phục yếu kém trong chỉ số tiếp cận đất đai
Tiếp cận đất đai là 1 trong 10 chỉ số thành phần trong các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh luôn ở mức thấp trong những năm qua. Cụ thể lần lượt các năm từ 2011 - 2015 là: 42, 15, 30 và 51. Năm 2015, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh được 5,27 điểm, tương đương xếp thứ 51, so với năm 2014 giảm tới 21 bậc. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo kết quả khảo sát của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam đối với tỉnh , các doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tương đối khó khăn và thuộc nhóm tỉnh có thủ tục đất đai khó khăn nhất cả nước. Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh gặp khá nhiều cản trở trong tiếp cận đất đai và mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Khi bị thu hồi đất, doanh nghiệp không phải chịu nhiều rủi ro và công tác tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng việc bồi thường, đền bùi GPMB chưa thỏa đáng. Còn nhiều doanh nghiệp bị gây khó khăn làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo thống kê có gần 38% doanh nghiệp ( năm 2015) và 44% doanh nghiệp (năm 2014) được hỏi cho rằng có nhu cầu thuê đất nhưng ngại vì thủ tục hành chính phức tạp và cán bộ Nhà nước gây khó khăn.
Theo kết quả khảo sát, thời gian để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSD) bình quân là 60 ngày, đứng thứ 61 các tỉnh thành phố. Thực tế, nhiều dự án đăng ký đầu tư từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện đầu tư. Việc giao đất, cấp QSDĐ cho doanh nghiệp còn rất chậm (có doanh nghiệp làm thủ tục 90 ngày chưa được cấp, dẫn đến không triển khai được các thủ tục khác. Thực tế doanh nghiệp “ khát” mặt bằng sạch để triển khai dự án đầu tư nhưng quỹ đất sạch không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Đối với giá thuê hạ tầng KCN lại là tỉnh cao khi so sánh trong khu vực. Đơn giá đất cũng cao hơn so với các tỉnh lân cận (ví dụ như đơn giá đất tại vùng sâu huyện Tân Lạc bằng đơn giá tại một phường của tỉnh Thanh Hóa). Vì vậy, các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư vào tỉnh Hòa Bình.
Cạnh đó, các doanh nghiệp đang hoạt động gặp nhiều khó khăn về chi trả tiền thuê đất. Công tác thỏa thuận, đền bù GPMB rất khó khăn và mất nhiều thời gian do chính quyền địa phương chưa quyết liệt giải quyết; chưa phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan QLNN. Các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư kể cả các lĩnh vực đang được khuyến khích theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm đều gặp phải những vướng mắc trong đền bù GPMB. Nhiều dự án tới 4-5 năm cũng chưa hoàn thành GPMB, ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai. Một số nhà đầu tư có năng lực muốn sử dụng đất ở những địa điểm phù hợp để kinh doanh nhưng nhiều đơn vị được giao đất nhưng không sử dụng (đặc biệt là những địa điểm tại trung tâm, trục đường chính để kinh doanh thương mại).
Nhằm khắc phục những yếu kém trên, UBND tỉnh xác định cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai là một trong những nội dung phải được quan tâm chỉ đạo hàng đầu trong kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong những năm tới. Những năm tới, tỉnh phấn đấu rút ngắn thời gian cấp GCN QSDĐ chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế. UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp cụ thể: Tham mưu rà soát các quy định về quản lý đất đai phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, rút ngắn thời gian cấp GCN QSDĐ thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ cấp GCN QSDĐ, nhu cầu sử dụng đất, giao đất cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các dự án theo hướng các thủ tục phải đơn giản, nhanh gọn. Rà soát, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện các cơ sở, chính sách, quy định pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, đề xuất cơ chế, chính sách tạo quỹ đất sạch, đặc biệt là đất các KCN, CCN,tạo điều kiện thuận lợi cho SX-KD. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2015-2020) của cấp tỉnh, cấp huyện để có đủ căn cứ giao đất, cho thuê, thu hút các dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất.
Cùng với những giải pháp trên, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm cán bộ, công chức; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm công vụ, gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục liên quan hoạt động doanh nghiệp và người dân; tăng cường đối thoại theo chuyên đề lĩnh vực, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, phấn đấu cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và cởi mở.
Lê Chung