The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hòa Bình: Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Vị trí xếp hạng PCI năm 2016 của tỉnh ta xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố. So với năm 2015, tỉnh Hòa Bình tụt 6 bậc (năm 2015 xếp thứ 46/63). Đây là điều bất lợi cho tỉnh trong việc kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại tỉnh. Nếu năm 2017, tỉnh Hòa Bình không có cơ chế, chính sách để cải thiện thì chỉ số PCI rơi vào nhóm dưới trung bình là điều rất dễ xảy ra.

Thông qua đánh giá các chỉ số thành phần cho thấy, những vấn đề cần phải giải quyết để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Thời gian doanh nghiệp phải chờ hoàn thành các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động vẫn còn bị kéo dài.

Nâng cao năng lực, tinh thần phục vụ tại bộ phận một cửa là một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI.

(Ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP Hòa Bình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân).

Có đến 15,91% DN phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục, trong khi đó ở tỉnh có điểm tốt nhất không có DN nào phải chờ trên 1 tháng. Vẫn còn khoảng gần 25% bộ phận một cửa của các cơ quan Nhà nước chưa niêm yết công khai các thủ tục hành chính. Gần 29% ý kiến cho rằng hướng dẫn thủ tục tại bộ phận một cửa chưa rõ ràng, đầy đủ. Còn khoảng gần 53% cán bộ bộ phận một cửa chưa am hiểu về chuyên môn và khoảng 56% cán bộ chưa nhiệt tình, thiếu thân thiện. 64% ý kiến cho rằng bộ phận một cửa chưa được ứng dụng công nghệ thông tin.

Chỉ số tiếp cận đất đai nếu so sánh với tỉnh có điểm số tốt nhất thì tỉnh vẫn còn khoảng cách xa. Trong vòng 2 năm gần đây, có khoảng 64% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục về đất đai. Con số này ở tỉnh có điểm số tốt nhất chỉ có 32%. Có 44% DN không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do thủ tục hành chính rườm rà hoặc lo ngại cán bộ nhũng nhiễu. Chỉ tiêu này ở tỉnh cao nhất chỉ có 6,67%, số chênh lệch 37% (khoảng cách rất lớn). Sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường của tỉnh chỉ được 73% DN đồng ý, trong khi đó tỉnh cao nhất là 83% DN đồng ý. 80% DN đánh giá nếu muốn có các tài liệu quan trọng của tỉnh thì cần phải có mối quan hệ, trong khi đó, trung bình cả nước là 66,33% và tỉnh thấp nhất là 47,42% DN đánh giá như trên. 44,12% ý kiến DN cho rằng trong hoạt động SX -KD cần phải thương lượng với cán bộ cơ quan thuế, tỷ lệ đồng ý này mặc dù có thấp hơn tỷ lệ trung bình chung cả nước nhưng so với tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là 34,21% thì tỉnh cao hơn 10%.

Doanh nghiệp đánh giá tài liệu về ngân sách của tỉnh để DN sử dụng được cho hoạt động kinh doanh còn ở mức thấp hơn trung bình cả nước. Việc công bố tài liệu ngân sách ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ở tỉnh cũng chậm hơn so với các địa phương khác.

Ý kiến DN cho rằng, số cuộc cơ quan thanh tra, kiểm tra trung bình là 2 lần /DN, trong khi đó con số này ở mức trung bình cả nước chỉ là 1. Số giờ trung bình DN phải làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế của tỉnh Hòa Bình là 24 giờ, trong khi đó trung bình cả nước là 8 giờ. ở tỉnh có thành tích tốt nhất, DN đánh giá có 82,65% cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả. Tỉnh ta chỉ được đánh giá ở mức 50% cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả. Đơn giản thủ tục giấy tờ rất quan trọng đối với DN, ở tỉnh có thành tích tốt nhất được 74,23% DN đồng ý, tỉnh ta chỉ có 44,34% DN đồng ý thủ tục giấy tờ đơn giản, còn lại 55,66% DN cho rằng thủ tục giấy tờ còn phức tạp…

Về chỉ số chi phí không chính thức của tỉnh không được đánh giá cao, thấp hơn mức trung bình chung cả nước. 73,33% DN trong tỉnh thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, còn tỉnh có thành tích tốt nhất là 45,16%. Có 62,26% DN cho rằng khi giải quyết thủ tục hành chính có hiện tượng nhũng nhiễu DN. Sau khi đã trả các khoản chi phí không chính thức vẫn có tới 38,93% DN không đạt được kết quả mong đợi, có nghĩa đã “chi phí rồi nhưng vẫn không được việc”. Các DN cho rằng, tính năng động của tỉnh ở mức thấp. 87,5% ý kiến cho rằng có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng khi thực thi ở các sở, ngành không được tốt, chỉ số này ở tỉnh tốt nhất là 61,45%. Vẫn còn 53,85% ý kiến cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện.

Hiện nay, cơ quan tham mưu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh triển khai các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo đó rà soát các đơn vị, sở, ngành liên quan xác định cụ thể những chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, tổ chức nào để đề xuất giải pháp cụ thể thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả nếu không đạt yêu cầu. Công bố công khai chi tiết điểm chỉ số PCI của tỉnh tới các DN trong tỉnh để các DN nắm được thông tin, qua đó đề xuất các sáng kiến, giải pháp để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước rà soát lại toàn bộ thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính nào đã được các bộ, ngành chuẩn hóa, công bố thì chỉ cần công bố, chỉ xây dựng những thủ tục mà các bộ, ngành chưa quy định để tránh địa phương tự ban hành thêm thủ tục hành chính hoặc có quá nhiều thủ tục hành chính.

Cơ quan tham mưu cũng đưa ra một số mục tiêu phải thực hiện nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh như: Nghiên cứu, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính tối đa không quá 2/3 thời gian quy định của Nhà nước. Yêu cầu 100% cơ quan phải niêm yết đủ bộ thủ tục hành chính đã được chuẩn hóa theo quy định tại bộ phận một cửa, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ phận một cửa. Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn 1 ngày, trường hợp phức tạp không quá 2 ngày. Thực hiện tốt công tác liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, không để tình trạng DN phải chờ đợi trên 1 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động. Rà soát lại thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra DN không quá 1 lần /năm. Kết hợp nhiều nội dung trong một lần thanh tra, kiểm tra. Xây dựng cơ chế giám sát công chức trong thực thi nhiệm vụ, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn yếu, thực hiện thêm giải pháp luân chuyển cán bộ ở những vị trí nhạy cảm để hạn chế hiện tượng nhũng nhiễu DN.

Lê Chung

Báo Hoà Bình