Hòa Bình: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
04 Tháng 8, 2017
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là văn bản quan trọng của Chính phủ chuyên về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT xung quanh nội dung này.
Tại hội thảo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Hòa Bình năm 2017, đV-TN trong tỉnh mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận kiến thức, hỗ trợ kỹ năng khởi nghiệp.ảnh: L.C
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình phát triển doanh nghiệp của tỉnh ?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Các năm 2014 - 2015 là thời gian khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất hạn chế. Tới nay, tình hình đã khả quan hơn. Từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 2014, bình quân mỗi năm có khoảng 332 doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 9.000 lao động.
Toàn tỉnh hiện có xấp xỉ 2.800 doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp hoạt động ổn định chiếm khoảng 80%. Bên cạnh đó, cả tỉnh có 278 HTX. Các doanh nghiệp, HTX có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh xã hội.
Mặc dù vậy, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ, trình độ, năng lực quản trị, sức cạnh tranh còn hạn chế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp theo đúng nghĩa như đưa vào thị trường sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới chưa nhiều. Nhận thức và hiểu biết hạn chế về khởi nghiệp cũng tác động không tích cực tới hoạt động khởi nghiệp nói chung và trong thực thi các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp nói riêng. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã được quan tâm nhưng chưa tạo chuyển biến rõ nét đối với hoạt động khởi nghiệp.
Các ý tưởng về sản xuất sản phẩm mới dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ mới, ý tưởng kinh doanh táo bạo, kinh doanh mạo hiểm, tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn còn hạn chế. Nhiều hộ kinh doanh có điều kiện, nguồn lực để phát triển doanh nghiệp nhưng chưa thực hiện được. Phần nhiều chính sách của T.ư và của tỉnh chưa tác động mạnh đến hoạt động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa hỗ trợ thường xuyên, thỏa đáng cho chính sách khởi sự, khởi nghiệp.
PV: Nên hiểu thế nào về khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Khởi nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp hiểu theo nghĩa thông thường là việc bắt đầu hoạt động kinh doanh (có thể là đầu tư một dự án sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể... để thực hiện hoạt động kinh doanh). Khởi nghiệp (hay doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp) sáng tạo là khái niệm dùng để chỉ những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (start - up) nhưng có khả năng tăng trưởng nhanh gắn liền với việc sáng tạo, đổi mới, đưa ra những sản phẩm, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, thị trường chưa từng có hoặc đã có nhưng được cải tiến, phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp thường trong tình trạng không chắc chắn (có nhiều rủi ro) cần có các chính sách hỗ trợ. Khái niệm khởi nghiệp theo nghĩa này không hoàn toàn đồng nghĩa với khởi sự kinh doanh hoặc lập nghiệp. Khởi nghiệp không hẳn là thành lập doanh nghiệp mới mà có thể là việc đưa ra những ý tưởng kinh doanh, công nghệ mới chưa có hoặc có nhưng phát triển cao hơn, tốt hơn. Chẳng hạn như ở huyện Lạc Sơn, nhiều hộ kinh doanh ấp trứng, bán gà thì sản xuất, kinh doanh bình thương vì nhiều hộ làm. Nhưng nếu có cá nhân thuê người khác ấp trứng, bán gà mang lại hiệu quả hơn thì được hiểu khởi nghiệp.
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ cho phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, tạo động lực quan trọng vào phát triển KT-XH. Cụ thể là: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên; tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là văn bản quan trọng của Chính phủ chuyên về các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
PV: Xin đồng chí cho biết những giải pháp trọng tâm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh ?
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp: Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020. Các sở, ngành đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện các giải pháp thực hiện đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện của tỉnh, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ cụ thể thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phấn đấu đến năm 2020 hỗ trợ phát triển ít nhất 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 10 dự án đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ…
Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở KH&ĐT đang rà soát, nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản cần thiết nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sớm tham gia thị trường với chi phí và thời gian ngắn nhất. Ví dụ như: rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp (thời gian cấp chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phấn đấu thực hiện trong 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ); thời gian làm thủ tục đầu tư dự án (chủ trương đầu tư được duyệt trong vòng 26 ngày, bằng 3/4 thời gian quy định của Luật Đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư 4 ngày), đảm bảo thời gian theo yêu cầu của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, phấn đấu một số khâu thủ tục nhanh hơn yêu cầu của các luật... Cùng với đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho các đối tượng khởi nghiệp trên địa bàn nhằm thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp đi vào thực tế đời sống.... Khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực, cùng với các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh đang được quan tâm thực hiện, chắc chắn sẽ tạo động lực mới, khuyến khích doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Nhiều hộ kinh doanh cá thể sẽ đăng ký trở thành doanh nghiệp, hoạt động bài bản và có hiệu quả hơn.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
L.C (thực hiện)