Hòa Bình: Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức
Thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy nhiều vấn đề đáng lưu tâm trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức các cơ quan liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Qua khảo sát, thời gian doanh nghiệp phải chờ hoàn thiện các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động vẫn kéo dài. Có tới 15,91% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng hoàn thành các thủ tục để hoạt động. Còn 25% bộ phận "một cửa” chưa được niêm yết công khai. 29% doanh nghiệp cho rằng hướng dẫn tại bộ phận một cửa chưa đầy đủ. 53% cán bộ tại bộ phận "một cửa” chưa am hiểu về chuyên môn và 56% chưa hướng dẫn nhiệt tình, thân thiện.
Kho bạc Nhà nước tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch.
Tỷ lệ các doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lo ngại thủ tục rườm rà hoặc cán bộ nhũng nhiễu cao hơn mức trung bình của cả nước. Thực tế, cơ quan chức năng và chính quyền đã thừa nhận có trường hợp cán bộ "bỏ quên” hồ sơ trong ngăn kéo đến 2 năm trời chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 80% doanh nghiệp cho rằng, muốn tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng phải nhờ các mối quan hệ. 44,2% ý kiến cho rằng phải thương lượng với cán bộ thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 73,33% doanh nghiệp cho rằng phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 13,04% doanh nghiệp phải trả hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức. 62,26% doanh nghiệp đánh giá có hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính; 38,93% đã trả chi phí không chính thức nhưng kết quả nhận được không như mong đợi.
Các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho rằng, từ chủ trương đến tổ chức thực hiện còn khoảng cách rất lớn, trong đó, liên quan đến cơ chế phối hợp, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của các sở, ngành và cơ sở... Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các ngành chức năng đang đề xuất thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan QLNN trực tiếp tham mưu giải quyết những công việc liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Theo đó đã đề xuất với UBND tỉnh giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ như: Công khai các thủ tục hành chính với 100% cơ quan phải niêm yết thủ tục hành chính theo quy định tại bộ phận "một cửa”.
Các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp lựa chọn những cán bộ, chuyên viên có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm, xây dựng bộ quy tắc ứng xử về văn minh giao tiếp cho tất cả cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước, nhất là cán bộ, viên chức làm việc tại bộ phận "một cửa”. Thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện và vận hành cơ chế liên thông giữa cơ quan Nhà nước không để doanh nghiệp và người dân mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục để đi vào hoạt động. Đặc biệt là xây dựng cơ chế giám sát cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, kịp thời uốn nắn, thực hiện luân chuyển vị trí, kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức không đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, tạo môi trường kinh doanh hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đã thành lập tổ công tác của tỉnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Tỉnh cũng đang khẩn trương thành lập Trung tâm hành chính công nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo lập môi trường làm việc thống nhất, thuận tiện, hiện đại, văn minh, giải quyết nhanh, hiệu quả thủ tục hành chính cho tổ chức cá nhân.