Hoà Bình nỗ lực cải thiện PCI
24 Tháng 5, 2021
PCI Hòa Bình tăng 4 bậc từ vị trí thứ 48/63 của năm 2019 lên vị trí thứ 44/63 năm 2020 đạt chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức, Tỉnh Hòa Bình tăng 4 bậc trên Bảng xếp hạng.
Theo đó, điểm tổng hợp của tỉnh Hòa Bình đạt 62,80 điểm, đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; tăng 4 bậc so với năm 2019 (năm 2019 xếp thứ 48). Đây là kết quả quan trọng ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện.
Tăng 4 bậc trong Bảng xếp hạng
Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 97/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 về kế hoạch những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hoà Bình năm 2020, định hướng đến 2021; ban hành Công văn số 722/UBND-NC ngày 06/5/2020 của UBND tỉnh Hoà Bình về việc triển khai các hoạt động nhằm nâng xếp hạng Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Tổ chức nhiều cuộc làm việc đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp; làm tốt công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID -19… Qua đó góp phần cải thiện chỉ số PCI tăng 4 bậc từ vị trí thứ 48/63 của năm 2019 lên vị trí thứ 44/63, đạt chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 4 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2019 là: Gia nhập thị trường đạt 7,84 điểm (năm 2019 đạt 6,55); chi phí thời gian 6,63 (6,33); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 6,61 (5,97); thiết chế pháp lý và ANTT 6,99 (6,31).
Kết quả ghi nhận, 89% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại, vị trí 01/63; Doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng đào tạo về quản trị kinh doanh 91%, vị trí 02/63; 88% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (là một trong các điah phương có đánh giá tốt nhất); 69% doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh, vị trí thứ 03/63.
Tám giải pháp trọng tâm cải thiện chỉ số PCI
Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, để cải thiện PCI, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đề ra 8 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, lãnh đạo các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát chỉ đạo chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, về hỗ trợ doanh nghiệp… chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ hai, thực hiện có hiệu quả, thực chất Quyết định số 97/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 và Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hoà Bình năm 2021. Gắn trách nhiệm các cơ quan trong cải thiện chỉ số hằng năm. Đồng thời, đưa nội dung cải thiện PCI vào kiểm điểm, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ và thi đua khen thưởng hằng năm của cơ quan, công chức, viên chức.
Thứ ba, hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh Hoà Bình đến 2030, tầm nhìn 2050, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất… trong đó cần xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thủ tục pháp lý để nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án sau khi được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thứ tư, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Thứ năm, khẩn trương hoàn thành thử nghiệm Bộ chỉ số DDCI và đưa vào áp dụng từ năm 2022. Qua đó thúc đẩy hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Thứ sáu, thường xuyên đẩy mạnh, đổi mới công tác cải cách hành chính , đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số; nghiên cứu cát giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan so với quy định hiện hành, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình… góp phần cải thiện PCI; khắc phục và xử lý nghiêm minh tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ bảy, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông nhằm thực hiện tốt việc tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức hiểu sâu về quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh và các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp...
Thứ tám, nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc đánh giá tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư, phản biện kịp thời các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển doanh nghiệp; Tuyên truyền cho các doanh nghiệp thành viên về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh để có đánh giá khách quan về PCI hằng năm.