Hòa Bình: Phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn
07 Tháng 7, 2021
Với mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực người dân tộc thiểu số; đào tạo nghề cho lao động nông thôn để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững, những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Các cơ sở GDNN trong tỉnh đã chỉnh sửa, ban hành các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, nhằm tổ chức thực hiện tốt Luật GDNN, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngày 14/3/2018, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDNN trên địa bàn tỉnh.
3 năm qua, từ quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành chức năng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác GDNN; đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới. Ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên các cơ sở GDNN; cán bộ các phòng LĐ-TB&XH quy định pháp luật mới về tuyển sinh, quy chế tuyển sinh, tổ chức đào tạo; tổ chức xây dựng, thẩm dựng các chương trình, giáo trình; quy định về liên thông, liên kết, tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; các chính sách mới về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp… Đồng thời, trên cơ sở dự án "Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” thuộc Chương trình mục tiêu GDNN - việc làm và an toàn lao động, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và nhu cầu của DN, ngành đã hướng dẫn các trường xem xét, đề xuất các nghề trọng điểm. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã phê duyệt cho trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hòa Bình được bổ sung đào tạo nghề vận hành máy thi công nền và nghề điện công nghiệp; trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình bổ sung thêm 3 nghề: Chăn nuôi - thú ý; lâm sinh; công nghệ may và thời trang. Một số trường huy động nguồn lực mở thêm mã ngành mới về lĩnh vực du lịch dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Giai đoạn 2018 - 2020, các cơ sở GDNN trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo trên 47.500 người. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 7.660 người; sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng 39.600 lượt người. Đặc biệt, các cơ sở đã chú trọng thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực GDNN, đề nghị DN cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động; xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác với DN, đề nghị DN tham gia Hội đồng trường, Hội đồng quản trị; mời DN tham gia xây dựng chương trình, giáo trình và tham gia tổ chức đào tạo thực hành sản xuất; đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên Nhà nước - nhà trường - DN, liên kết giữa trường với DN... Đến nay, toàn tỉnh có 10 DN thành lập cơ sở đào tạo GDNN và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 22 cơ sở GDNN đã được kiểm tra cấp giấy chứng nhận hoạt động GDNN, đủ điều kiện để tổ chức tuyển sinh đào tạo (chưa tính 17 cơ sở hoạt động GDNN và cơ sở tham gia dạy nghề dưới 3 tháng, 4 dự án đầu tư thành lập cơ sở GDNN), trong đó, có 6 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN. Có trên 85% người lao động sau khi được đào tạo nghề đều tìm được việc làm, có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm. Nhờ vậy, đánh giá kết quả Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh luôn cao hơn trung vị cả nước. Năm 2020 xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn DN đánh giá lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN.
Trao đổi vấn đề đào tạo lao động tại cuộc họp của UBND tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Công tác giáo dục dạy nghề được ngành phối hợp với các địa phương triển khai tích cực. Lao động tại tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của DN. Tỉnh đã chỉ đạo có sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với DN để đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từng năm và đảm bảo chất lượng hơn, năm 2020 đạt 56% (năm 2019 là 54%). Tuy nhiên, công tác đào tạo lao động của tỉnh cũng còn những hạn chế, thể hiện ở một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở GDNN chậm tiến độ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của DN, nhất là đối với một số ngành, nghề yêu cầu trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo lớn... Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh kết nối giữa DN với các cơ sở giáo dục dạy nghề qua các kênh ngày hội việc làm, sàn giao dịch. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc thanh, kiểm tra các cơ sở GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Theo Báo Hòa Bình