Hoà Bình quyết tâm nâng hạng PCI
28 Tháng 7, 2022
Xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) là yêu cầu quan trọng để thu hút đầu tư, tỉnh Hoà Bình đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để cải thiện PCI.
Chỉ thị số 12/CT-UBND vừa được UBND tỉnh ban hành về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thể hiện rõ tham vọng nâng hạng chỉ số PCI.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Theo đó, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị được giao là đầu mối chỉ đạo và triển khai các chỉ số thành phần phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hòa Bình năm 2022.
Các cơ quan đầu mối được giao phải chịu trách nhiệm các mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ (đầu mối chỉ tiêu về Đổi mới sáng tạo), Sở Công Thương (đầu mối chỉ tiêu về Hiệu quả logistics), Sở Thông tin và Truyền thông (đầu mối chỉ tiêu về Chính phủ điện tử) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đầu mối chỉ tiêu về Năng lực cạnh tranh du lịch) phải chủ động, tiếp tục bám sát các Bộ, ngành đầu mối để triển khai hiệu quả ở cấp địa phương.
Cùng với đó, theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai áp dụng thử nghiệm Bộ chỉ số DDCI, đã được sự quan tâm, ủng hộ tích cực, đóng góp ý kiến của các ngành, địa phương. Đồng thời, có sự tham gia nhiệt tình của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX; mạnh dạn chia sẻ ý kiến, ủng hộ chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh và chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
DDCI là hoạt động thiết yếu để phản ánh tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn tỉnh; đánh giá chất lượng hoạt động quản lý, điều hành của 26 sở, ban, ngành và 10 huyện, thành phố. DDCI Hòa Bình được đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát 1.000 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh; có 957 phiếu trả lời.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Tại cuộc họp triển khai Chỉ thị số 12/CT-UBND, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động của các cơ quan để cải thiện các chỉ số có thứ hạng chưa cao như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý... “Hòa Bình sẽ áp dụng rộng rãi DDCI trong năm 2022. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, tỉnh tiếp tục áp dụng thực hiện triệt để trong những năm tiếp theo”, ông Bùi Văn Khánh cho biết.
Đây là cơ sở để các sở ngành, đơn vị làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng... Các đơn vị sẽ chủ động thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, xây dựng triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với tinh thần các cấp các ngành đồng hành cùng doanh nghiệp; Đa dạng hình thức đối thoại doanh nghiệp.
Để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, Tỉnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch mở rộng các loại hình dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Trung tâm có trách nhiệm tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước...