Hòa Bình: Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục về đất trong đầu tư
27 Tháng 1, 2022
Theo Luật Đầu tư năm 2020, thủ tục về đất đai là 1 trong 8 loại hồ sơ bắt buộc trong bộ thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với mỗi dự án có sử dụng đất. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khởi động được dự án, chủ yếu do vướng các quy định về thủ tục đất đai. Thực trạng này cũng là một lực cản không nhỏ ảnh hưởng đến quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Chuyện của những doanh nghiệp mòn mỏi "chạy thủ tục”
Tháng 4/2019, Công ty CP Việt - Eco Hòa Bình có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và trung tâm dưỡng lão tại huyện Kim Bôi. Tháng 4/2021, Công ty đã thông qua Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với UBND xã Sào Báy, xã Mỵ Hòa thống nhất giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của các hộ, cá nhân với diện tích khoảng 700 thửa đất của 240 hộ gia đình, cá nhân. Nhưng để chuyển nhượng được cho doanh nghiệp thì các gia đình, cá nhân phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mới chuyển nhượng được cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình, cá nhân chưa được cấp GCNQSDĐ hoặc đã có nhưng phải thực hiện cấp đổi lại. "Doanh nghiệp đã liên hệ với một số cơ quan liên quan để đề nghị hướng dẫn thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng liên hệ với xã thì hướng dẫn gặp Chi nhánh vănphòng đăng ký đất đai; gặp Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thì hướng dẫn về xã….Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất với bất kỳ cá nhân nào. Doanh nghiệp giờ chưa biết làm gì và làm thế nào để nhận chuyển nhượng được toàn bộ diện tích đất nêu trên để triển khai thực hiện dự án” - ông Nguyễn Khắc Tiệp, đại diện Công ty cho biết.
Công ty Viet - Eco không phải là trường hợp duy nhất lâm vào tình trạng kéo dài thời gian thực hiện thủ tục về đất đai. Thực tế cho thấy, ngoài những khó khăn liên quan đến GCNQSDĐ, rất nhiều dự án phải kéo dài thủ tục liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đầu tư, dự án muốn được cấp chủ trương đầu tư phải nằm trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện. Thực tế, khi bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp phải bắt đầu từ thủ tục xin bổ sung danh mục vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, sau khi bổ sung danh mục vào quy hoạch sử dụng đất, công tác điều chỉnh, cập nhật số liệu về đất lại không được thực hiện đồng tốc, trong khi đó, nhiều dự án không triển khai, chậm tiến độ nhưng không được đưa ra khỏi quy hoạch, dẫn đến doanh nghiệp mới vào đầu tư bị trùng dự án.
Số liệu báo cáo của Sở KH&ĐT cũng nêu rõ: Từ năm 2016 đến nay, có khoảng 298 hồ sơ liên quan đến đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đủ điều kiện trình UBND tỉnh phải chỉnh sửa, bổ sung từ 2 lần trở lên. Nguyên nhân dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chưa có kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Đặc biệt, có 946 hồ sơ đã thẩm định nhưng không đủ điều kiện trình UBND tỉnh, trong đó, khoảng 520 hồ sơ chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; 236 hồ sơ chưa có kết quả thẩm định nhu cầu sử dụng đất; 47 hồ sơ trùng lấn với các dự án khác.
Dự án tự thỏa thuận đưa nhà đầu tư vào thế khó
Mất rất nhiều thời gian và công sức để ra được chủ trương đầu tư, tuy nhiên, đó mới là những bước đi đầu tiên để triển khai dự án. Bởi thực tế, đối với một doanh nghiệp muốn đưa dự án vào hoạt động cần phải tiếp tục triển khai các thủ tục để giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất. Theo Luật Đất đai năm 2013, chỉ những dự án sử dụng cho mục đích an ninh - quốc phòng, công trình phục vụ hoạt động chung của cộng đồng dân cư mới thuộc dự án Nhà nước thu hồi đất, còn lại các dự án thuộc nhóm thương mại, du lịch, dịch vụ nhà đầu tư phải tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng sau khi có văn bản chấp thuận "chủ trương cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án” của UBND tỉnh, cho phép doanh nghiệp và người dân tự thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để giải phóng mặt bằng. Cơ chế này vô tình đẩy nhiều nhà đầu tư vào thế khó. Ông Quách Đình Minh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 từng chia sẻ: Đã nhiều lần đưa các nhà đầu tư về làm việc với tỉnh, có những dự án lớn nếu được triển khai sẽ góp phần phát triển KT-XH cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, với cơ chế tự thỏa thuận, nhiều nhà đầu tư mặc dù rất tâm huyết nhưng vẫn không thể theo đuổi dự án. Nguyên nhân do khó khăn trong công tác thỏa thuận nhận chuyển nhượng giải phóng mặt bằng, nhất là việc thỏa thuận về giá bồi thường về đất và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng với người dân.
Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bộc bạch: Cơ chế tự thỏa thuận khiến doanh nghiệp gặp khó. Vì thực tế, người dân không phân biệt được những loại đất khác nhau thì có giá trị khác nhau, mà chỉ cần biết nhà này bán được bao nhiêu, nhà mình cũng phải bán được bấy nhiêu hoặc hơn thế. Đặc biệt, cơ chế tự thỏa thuận không có sự quản lý của Nhà nước vô tình tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu cơ đất, găm đất, đẩy giá. Thực tế, có những doanh nghiệp không được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở vị trí đó cũng nhờ một số người đứng ra mua gom đất (cò đất) ở vị trí doanh nghiệp khác được chấp thuận chủ trương thỏa thuận nhận chuyển nhượng. Tình trạng này đã đẩy giá đất lên gấp 10 thậm chí gấp trăm lần so với giá trị thực. Nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng khóc dở mếu dở khi đổ rất nhiều tiền để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân đã thống nhất thỏa thuận về giá nhận chuyển nhượng, còn một vài hộ lại không đồng ý thỏa thuận, thế là dự án không thể triển khai thực hiện được. Theo thông tin, 1 ha đất khu vực hồ Hòa Bình có giá từ 4 - 5 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với giá trị thực và so với mặt bằng chung của tỉnh, nhất là ở các khu vực như huyện Kim Bôi, Lương Sơn...
Khó khăn về thủ tục đất đai cũng là thực trạng chung hiện nay trên địa bàn tỉnh là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư. Theo báo cáo của UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện chỉ số PCI chỉ rõ trong chỉ số tiếp cận đất đai, những chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá chưa cao đối với tỉnh là: Giải phóng mặt bằng chậm (đứng thứ hạng 60/63 tỉnh, thành phố); doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh xếp thứ 58/63; khó khăn về thiếu quỹ đất sạch đứng thứ 57/63; doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính đất đai không gặp khó khăn đứng thứ 55/63; không có GCNQSDĐ do lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu đứng thứ 40/63.
Số hóa quản lý đất đai
Theo báo cáo của ngành TN&MT tỉnh, trong thời gian qua, để cải cách TTHC về đất đai, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục 25 dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc phạm vi của ngành tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC tỉnh và Cổng DVC quốc gia năm 2020 - 2021; đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đủ 20% từ T.Ư đến địa phương trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất và là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác đất đai, dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết TTHC cho nhà đầu tư chủ yếu do dữ liệu địa chính về đất đai từ trước do lịch sử để lại còn lưu giữ thô sơ dưới dạng sổ sách, giấy, chưa được cập nhật, điều chỉnh, đo đạc theo quy định, do đó, công tác thẩm định hồ sơ, nguồn gốc đất thường xuyên chậm và mất rất nhiều thời gian.
Mặt khác, tình trạng hồ sơ địa chính để phục vụ công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận trước đây ở một số huyện còn thiếu độ tin cậy, dẫn đến công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận còn khó khăn. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện TTHC về lĩnh vực đất đai theo Quyết định số 2498/QĐ-UBND, ngày 6/11/2015 của UBND tỉnh đôi khi chưa đảm bảo thời gian quy định, đặc biệt là các trường hợp phải xin ý kiến cơ quan quản lý công trình xây dựng thường chậm hoặc không có ý kiến trả lời. "Chính vì vậy, để thuận lợi cho công tác quản lý đòi hỏi phải áp dụng công nghệ số trong quản lý Nhà nước về đất đai, như vậy không chỉ thuận lợi khi điều chỉnh hồ sơ, quản lý thẩm định hồ sơ về đất, mà còn góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về hồ sơ thủ tục đất" - đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định.
Đánh thức tiềm năng - bắt đầu từ quy hoạch
Theo các chuyên gia kinh tế, với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan đẹp, nền văn hóa đa dạng, gần Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành một "thủ phủ” du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực phía Bắc. Trong những năm gần đây, Hòa Bình nổi lên là một địa điểm hấp dẫn trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Sôi động nhất có thể kể đến như khu vực huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Tân Lạc, đặc biệt là vùng lòng hồ sông Đà. Tuy nhiên, để "điểm mặt” những dự án lớn có quỹ đất sạch trước khi đầu tư trên địa bàn tỉnh không nhiều. Ngược lại, có nhiều dự án kéo dài thời gian đầu tư, chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do TTHC, trong đó có thủ tục về đất. Để giải quyết vấn đề này, theo đồng chí Trần Ánh Dương, Phó Ban KT-NS (HĐND tỉnh): Hiện nay, với tiềm năng và lợi thế, Hòa Bình đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, tỉnh cần đi trước một bước trong công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều khó khăn, các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh định hướng, dự báo lựa chọn những vị trí, địa phương đang sôi động thu hút nhiều nhà đầu tư như khu vực lòng hồ, các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, TP Hòa Bình... để quy hoạch, đưa vào danh mục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư về Hòa Bình. Giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ đất sạch không chỉ tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư mà còn góp phẩn giảm "sốt" đất, tình trạng cò đất mua gom đất, găm đất chờ thời cơ đẩy giá.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch chạy theo dự án, quy hoạch thiếu tính ổn định và dài hạn không chỉ khó khăn trong công tác quản lý đất, mà còn gây khó cho nhiều nhà đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thực tế đã có nhiều dự án phù hợp với quy hoạch, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã phá vỡ tổng thể quy hoạch, về lâu dài ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư dự án khác. "Ở đây đã có tình trạng dự án trại lợn gần với dự án nghỉ dưỡng, công viên nghĩa trang gần với các khu du lịch hoặc khu đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái... Vì vậy, bài toán đặt ra ở đây là sự thống nhất và có thể tích hợp giữa quy hoạch đất với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và các quy hoạch ngành khác trong một khoảng thời gian xác định mang tính ổn định, lâu dài" - đồng chí Nguyễn Thu Hà, Phó Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) cho biết.
Phát huy nguồn lực con người
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản của quốc gia và cũng được xem là nguồn lực quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển. Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật trong TTHC về đất đai góp phần quản lý tài nguyên đất, tạo động lực quan trọng để thu hút đầu tư. Thực tế cho thấy, công tác giải quyết thủ tục về đất đai hiện ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách, yếu tố nguồn lực con người, công tác cán bộ còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của ngành TN&MT tỉnh, số lượng biên chế sự nghiệp được giao tại Sở TN&MT hạn chế, chưa đảm bảo nhân lực thực hiện theo đề án và cơ cấu tổ chức của đơn vị đã được phê duyệt. Theo quy định, thời gian thực hiện 1 hồ sơ giao đất tại Sở trong vòng 15 ngày, tại UBND tỉnh 5 ngày. Thực tế, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện thủ tục tại Sở và Văn phòng UBND tỉnh đều còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giải quyết TTHC về đất đai.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, để khắc phục những khó khăn trên, ngành xác định tiếp tục công khai, minh bạch với những cách thức đơn giản, dễ hiểu, dễ tra cứu, cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin đối với các quy trình TTHC, mức thu phí, lệ phí và các khoản dịch vụ công; quy hoạch ngành; các thông tin về mời thầu... để nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Tăng cường các kênh phát hiện thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về tố cáo hành vi nhũng nhiễu; có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát, ngăn chặn và cương quyết xử lý kịp thời hành vi nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt”. Nâng cao hiệu quả, chất lượng các buổi đối thoại doanh nghiệp, phổ biến kịp thời và hướng dẫn triển khai thông tin, chính sách mới, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; giải quyết đến cùng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tất cả kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp phải được trả lời bằng văn bản (có thời hạn cụ thể), công khai kiến nghị, quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của Sở.
Theo Báo Hòa Bình