Hòa Bình: Thay đổi tư duy, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số dùng để tham khảo nêu lên cảm nhận và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh của chính quyền địa phương nhưng lại là thước đo ý thức trách nhiệm cũng như năng lực của cán bộ, công chức có tác dụng thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.
Xem xét các chỉ số thành phần năm 2014 cho thấy, bộ phận "một cửa" đã có cải thiện và hiệu quả hơn, song vẫn còn tình trạng cán bộ chuyên môn hạn chế, kém thân thiện và thiếu nhiệt tình. Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, 44% doanh nghiệp được hỏi có nhu cầu nhưng ngại vì thủ tục rườm rà và cán bộ Nhà nước gây khó khăn. Doanh nghiệp còn phải đi lại nhiều để giải quyết các thủ tục hành chính. Chi phí không chính thức thuộc nhóm các tỉnh cuối bảng xếp hạng để đạt được công việc còn nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ các khoản chi phí không chính thức. Vẫn tồn tại việc chấp hành chủ trương, chính sách và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại các sở, ngành, UBND huyện chưa nghiêm túc.
Những vấn đề yếu kém trên được phân tích, đánh giá thực chất tại cuộc họp của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016 trên địa bàn diễn ra vào hạ tuần tháng 5 vừa qua. Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, cán bộ, công chức- những người trực tiếp giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và người dân đóng vai trò quan trọng. Năng lực tốt, tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện sẽ giúp doanh nghiệp gần chính quyền hơn và ngược lại sẽ đem lại những bức xúc, tư tưởng ngần ngại khi phải đến cơ quan công quyền.
Giám đốc Sở Xây dựng Ngô Ngọc Đức mạnh dạn nêu lên thực tế công tác chuyên môn của sở cho rằng, năng lực doanh nghiệp còn yếu thì cán bộ giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có "vấn đề". Lãnh đạo nhiều khi quan liêu, chưa sâu sát công việc của cấp dưới. Cùng một công việc, lãnh đạo sâu sát, nếu cán bộ tận tâm, làm hết trách nhiệm và thân thiện, không cau có khi giải quyết công việc sẽ phá bỏ được tư tưởng xin cho, ngần ngại khi doanh nghiệp đến cơ quan QLNN. Cùng với đó là duy trì cơ chế phối hợp họp trực tiếp giữa các sở, ngành chức năng để giải quyết nhanh chóng các công việc, tránh phải xin ý kiến nhiều lần, lòng vòng làm mất thời gian, gây nản lòng cho doanh nghiệp là những giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất- kinh doanh. Đồng quan điểm, theo Giám đốc Sở Tư pháp Quách Đình Minh quan trọng nhất là quản lý, kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm việc với doanh nghiệp và người dân. Giám đốc Sở GT- VT Bùi Văn Thắng khẳng định, sẽ xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp nếu có chứng minh.
UBND tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo những giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai công tác CCHC, tạo chuyển biến mạnh trong đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực thi công vụ, chuyển nhận thức và hành động từ quản lý doanh nghiệp sang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng phong cách của bộ máy chính quyền các cấp cấp với doanh nghiệp, nhà đầu tư và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi tối đa. Đồng thời thực hiện cơ chế kiểm soát, xử lý trách nhiệm thực thi công vụ từ giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND huyện, thành phố nhằm xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Lê Chung
Theo báo Hòa Bình ngày 30/06/2015