The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hóa giải 3 điểm nghẽn, nâng cao năng lực cạnh tranh TPHCM

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM, lãnh đạo TP đã gặp gỡ giới doanh nhân, các sở ngành với tinh thần chỉ đạo quyết liệt: Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính; lắng nghe và tích cực tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp (DN); cam kết hành động và kiến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để DN mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh… Xoay quanh vấn đề này, mở đầu chuyên trang “Thúc đẩy khởi nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp”, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

* PHÓNG VIÊN: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ: “Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Có chính sách thúc đẩy phát triển DN Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, thật sự trở thành nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Trước đó, Quốc hội cũng đã sửa đổi hàng loạt luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai…, ông có cho rằng đã đủ lực tạo cú hích giải phóng sức sản xuất?

- TS TRẦN DU LỊCH: Đúng vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đưa ra tín hiệu mạnh mẽ về tiếp tục cải cách thể chế, nhất là thể chế hành chính công; đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần; đổi mới chức năng kinh tế của Nhà nước; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả quá trình tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế… Với các giải pháp chiến lược này, tôi kỳ vọng sẽ có tác dụng tích cực đối với môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn mới.

Bước vào năm 2016, bối cảnh chung của nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, đòi hỏi Chính phủ không chỉ nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2016, mà quan trọng hơn, phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển. Do đó, ngay trong những tuần lễ đầu sau khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn (tháng 4-2016), Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của một Chính phủ hành động: Ngày 28-4-2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tiếp tục lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu trong năm 2016 (Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 đạt trung bình ASEAN-6 trên 6 chỉ tiêu và Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 đạt trung bình ASEAN-4 trên 10 chỉ tiêu). Tiếp theo, ngày 16-5-2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, cùng hàng loạt chỉ thị của Thủ tướng mang tính chất “thông điệp” của người đứng đầu Chính phủ về chủ trương: Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh.

* Để DN tự tin khởi nghiệp, hình thành đội ngũ DN dân tộc vững mạnh có chỗ đứng trên sân nhà và vươn tầm ra thế giới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vai trò của Nhà nước là phải hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ. Thưa ông, ta đã làm tốt chưa?

- Về mặt thể chế, một trong ba đột phá chiến lược thực hiện trong 5 năm qua (Chiến lược của 10 năm 2011-2020) là hoàn thiện thể chế kinh tế, với sự ra đời của Hiến pháp 2013, ban hành nhiều bộ luật và đạo luật nhằm cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng như các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hàng hải, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phá sản, Luật Kế toán, Luật Thống kê… Nhìn chung, trong 5 năm qua, sự hoàn thiện pháp luật mang tính hệ thống và liên quan đến hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự đổi mới hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế đều hướng đến 2 mục tiêu: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước; hội nhập khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng đó là sự cố gắng lớn, tạo nền tảng và môi trường thuận lợi đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để rút ngắn con đường từ luật của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ đến đời sống thực tiễn, mà hiện nay tác động thực tế còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải cải cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa nền hành chính (thể chế hành chính, bộ máy tổ chức và con người).

* Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, Chính phủ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhưng DN vẫn kêu, cho rằng chính sách ép DN, như các quy định về nhập khẩu ô tô, hàng dệt may, kinh doanh gas. Có ý kiến cho rằng nhiều quy định nhằm tạo lợi thế cho DN lớn, giết chết DN nhỏ. Tại sao có nghịch lý này? So sánh các nước ASEAN 4, ta đi tới đâu?

- Nguyên nhân sâu xa theo tôi, trước hết do triết lý phát triển trong mô hình kinh tế thị trường. Chúng ta có thuận lợi là người đi sau, nhưng chưa tận dụng được kinh nghiệm tốt của các nước đi trước. Cụ thể, về chính sách kinh tế, dường như trong suốt quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường và hội nhập của nước ta chưa thật sự xem DN nhỏ và vừa (DNNVV) có ý nghĩa chiến lược trong phát triển DN Việt Nam. Trong giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô các năm vừa qua, DNNVV chịu tác động tiêu cực nhiều nhất. Đáng lý ra từ mươi năm trước, chúng ta đã phải ban hành luật hỗ trợ phát triển DNNVV như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã làm từ thập niên 1960, 1970. Nhưng đến nay ta mới chuẩn bị dự thảo luật này để trình ra Quốc hội. Mặt khác, các chính sách kinh tế, tài chính khi ban hành dường như chỉ có tiếng nói đại diện cho DN lớn là có “trọng lượng”, còn DNNVV không thể với tới, chưa được quan tâm.

* Quý 3-2016, số DN đăng ký kinh doanh mới tăng đột biến, có phải là tín hiệu tốt, do chính sách thông thoáng hơn? Nhưng bên cạnh đó, số DN phá sản, ngưng hoạt động cũng không giảm. Và ADB, WB dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng 6% năm 2016, khá thấp so với mục tiêu đề ra. Ông nhận định gì về việc này? Có phải chính sách của ta “gãi chưa đúng chỗ ngứa” để tạo làn sóng đổi mới lần 2?

- Đúng là những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ tạo sức bật cho nền kinh tế khởi sắc. Tuy nhiên, tác động của chính sách kinh tế, thể chế thường có độ trễ nhất định, chưa thể thấy ngay kết quả trong ngắn hạn. Vì vậy, 9 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế chung chưa có chuyển biến đáng kể, thậm chí khó khăn hơn, nhất là nông nghiệp. Do đó, theo tôi tốc độ tăng trưởng GDP năm nay khó đạt được như năm 2015 (6,7%), mà theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế là phù hợp. Nhưng nhìn diễn biến tình hình từ quý 1-2016 đến hết quý 3-2016 vẫn có những điểm sáng nổi bật: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 9-2016 so với tháng 12-2015 tăng 3,53%, nhưng chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá cả như dịch vụ y tế, giáo dục...; tỷ giá ổn định, lãi suất cho vay có xu hướng giảm.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 32,9% GDP; thu hút FDI tăng khá cao kể cả đăng ký mới lẫn thực hiện (tổng vốn FDI đăng ký 11,3 tỷ USD, gấp gần hơn 2 lần cùng kỳ năm trước; tổng vốn FDI thực hiện 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2015); số DN hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng do khó khăn tăng vọt, niềm tin của thị trường được củng cố. Trên địa bàn TPHCM, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,76%, cao hơn cùng kỳ năm trước (7,44%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,19%, thể hiện xu hướng phục hồi tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh chung còn khó khăn.

* TPHCM ấp ủ mục tiêu trở thành “thành phố khởi nghiệp”, đi đầu cả nước trong việc xây dựng lực lượng DN. Theo ông phải làm gì, kích hoạt vào đâu để tạo sự đột phá khởi nghiệp kinh doanh?

- Thật ra từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang mô hình kinh tế thị trường, nếu tính từ đầu thập niên 1990, TPHCM đã là nơi khởi nghiệp và thành đạt của hàng chục ngàn DN từ mọi miền đất nước. Hiện nay, nếu tạo ra làn sóng khởi nghiệp mới cũng phù hợp với vị trí vai trò của TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Tuy nhiên, về quy mô kinh tế và lợi thế cạnh tranh của TP cũng chỉ mới so sánh với các địa phương trong nước. Theo tôi, vị trí vai trò của TPHCM phải đặt ở tầm cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN, như yêu cầu của Nghị quyết 20/2002 về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng TPHCM đến năm 2010 và Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị xác định phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2020. Hiện nay, trên địa bàn TP có hơn 150.000 DN hoạt động theo Luật DN và hơn 300.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, so với TP hơn 10 triệu dân, vẫn là con số khiêm tốn. TPHCM chưa thu hút được các tập đoàn, công ty đa quốc gia đặt trụ sở hoạt động quy mô khu vực và châu lục như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur… Đến nay, TPHCM vẫn chưa có những “con sếu đầu đàn” tạo tác động lan tỏa, thu hút DNNVV. Có 3 nhân tố chính để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút DN là: Nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đô thị. Cả 3 yếu tố này vẫn đang là điểm yếu của TP, thậm chí có những yếu tố chưa thể vượt trội các địa phương khác trong nước, như chỉ số PCI, PAPI… Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã đề ra 7 chương trình đột phá tương đối toàn diện. Theo tôi, nếu triển khai có hiệu quả những nội dung, mục tiêu của 7 chương trình này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

LÊ THÚY PHƯƠNG

Sài Gòn Giải Phóng