Tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí này lần lượt là 74%, 84% và 91%. Thậm chí chất lượng đào tạo lao động ở địa phương trong 5 năm trở lại đây giảm hẳn so với năm 2013 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Nhận định trên được đưa ra tại Báo cáo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đánh giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động không có nhiều thay đổi trong các năm gần đây. Doanh nghiệp khó tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề, trong khi chi phí bỏ ra đào tạo lại lao động ngày càng tăng…

Chất lượng lao động chậm được cải thiện

Trước những thách thức với doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp FDI cho rằng, họ dễ dàng tiếp cận được với nguồn lao động phổ thông, tuy nhiên bức tranh không mấy tích cực khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao như cán bộ kỹ thuật, giám sát và quản lý.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí này lần lượt là 74%, 84% và 91%. Thậm chí chất lượng đào tạo lao động ở địa phương trong 5 năm trở lại đây giảm hẳn so với năm 2013 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Một vấn đề khác về lao động mà doanh nghiệp FDI cũng phải đối mặt, đó là tình trạng lao động họ đã mất công đào tạo nghỉ việc. Tỷ lệ lao động được doanh nghiệp đào tạo tiếp tục làm việc trên một năm giảm từ 76,1% năm 2013 xuống chỉ còn 63% năm 2017 và 2018.

Cùng với vấn đề người lao động chuyển sang doanh nghiệp khác làm việc sau khi được đào tạo là tình trạng sụt giảm tỷ lệ lao động có hợp đồng lao động chính thức. Từ mức 95,3% năm 2013, con số này đã giảm dần xuống còn 85% năm 2018. Chính vì vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng trở nên ngắn hơn và ít chính thức hơn.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu những tình trạng này tiếp diễn có thể dẫn tới hai hậu quả. Trước hết, do những kỹ năng được doanh nghiệp đào tạo thường mang tính đặc thù theo doanh nghiệp, vì thế người lao động khi chuyển việc sang công ty khác sẽ khó tận dụng tốt nhất những kỹ năng này.

Quan trọng hơn, tình trạng lao động bỏ việc nhiều sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam. Như vậy, sẽ hạn chế tác động của hiệu ứng lan toả về kỹ năng và kiến thức từ khối doanh nghiệp FDI cũng như cản trở Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Mức độ cam kết thấp cùng kỹ năng đầu vào kém của lao động Việt Nam đang đặt các doanh nghiệp FDI vào tình thế rất nan giải.

Một phát hiện quan trọng nữa của PCI 2018 là các doanh nghiệp FDI đều đánh giá, chất lượng lao động ở Việt Nam chậm được cải thiện. Mức độ hài lòng của doanh nghiệp đã giảm rõ rệt trong giai đoạn 2013-2014 và hầu như ít có chuyển biến trong 5 năm qua. Năm 2018, 79% doanh nghiệp cho biết hài lòng với chất lượng giáo dục phổ thông, trong khi chỉ có 71% hài lòng với chất lượng đào tạo nghề. Tỷ lệ tương ứng đối với dịch vụ giới thiệu việc làm, tuyển dụng và giải quyết tranh chấp lao động lần lượt là 66% và 68%.

Báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, Việt Nam có gần 12 triệu nhân lực đã qua đào tạo, có trình độ từ đào tạo nghề trở lên, trong đó nhân lực có trình độ từ đại học trở lên có khoảng hơn 5 triệu người, chiếm 44% trong tổng số nhân lực đã qua đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh lực lượng lao động đã qua đào tạo, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo chiếm một tỷ lệ khá cao (78,3%).

Đây thực sự là rào cản, hạn chế lớn của nhân lực Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 này. Đồng thời, những hạn chế này đã đưa đến nhiều hệ lụy khác như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh cũng như giá trị nguồn nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động không cao.

Mặc dù nguồn nhân lực Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm sâu sắc bằng những định hướng phát triển, nhưng tính cụ thể và hiệu quả thực thi những chủ trương, chính sách này vẫn chưa cao. Lực lượng lao động của Việt Nam tuy dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, trong đó, số lao động làm các nghề giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (37 - 40%), tỷ lệ lao động làm công việc chuyên môn kỹ thuật bậc cao chỉ dao động trong khoảng 6 - 7%.

CMCN 4.0 với những công nghệ mới được tạo ra, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Điều này là thách thức rất lớn đối với nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp FDI

Trong bối cảnh bảo hộ thương mại diễn ra trên thế giới cũng như cuộc cách mạng 4.0 càng đặt ra yêu cầu cao đối với chất lương lao động của Việt Nam. Đặc biệt, việc Mỹ áp thuế với các sản phẩm của Trung Quốc làm gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề, chuyên môn cao của DN FDI. Các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn và đưa ra các điều kiện phúc lợi tốt hơn để thu hút lao động Việt Nam có tay nghề, nhằm đáp ứng việc sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn vào thị trường Mỹ.

Khảo sát PCI 2018 cho thấy, khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, các doanh nghiệp ngoại bắt đầu chuyển sản xuất sang cơ sở của họ tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng bắt đầu mở nhà máy và đưa các công đoạn sản xuất giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng của mình vào Việt Nam. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm chuyển các mặt hàng mà họ xuất khẩu vào thị trường Mỹ sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế.

Song việc chuyển dịch sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn đến Việt Nam không phải là một hoạt động có thể thực hiện ngay lập tức. Để thực sự sản xuất được các sản phẩm này, cần có các thay đổi về nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị mới, cũng như tuyển dụng lao động có chất lượng cao hơn.

Nhưng việc tuyển dụng được lao động chất lượng cao cần thiết cho việc nâng cấp trình độ phát triển của một ngành vẫn là một trong những quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp FDI. Do vậy, nếu như việc các doanh nghiệp FDI muốn khởi động việc này là có thật thì có lẽ họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao nhằm hiện thực hoá việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.

Nhà nước cần định hướng lại tuyển dụng đào tạo Đại học, vì tâm lý ai cũng muốn học đại học khiến tình trạng thiếu “thợ” diễn ra triền miên.

Nhà nước cần định hướng lại tuyển dụng đào tạo đại học, vì tâm lý ai cũng muốn học đại học khiến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra triền miên.

Điều đáng lưu ý trong khảo sát của VCCI, trước năm 2018, tất cả các doanh nghiệp cho rằng họ sẵn sàng chi trung bình chỉ 7,64% chi phí hoạt động để thực hiện các biện pháp cải thiện lao động. Trong năm 2018, mức độ sẵn sàng chi trả tăng mạnh lên đến 12,6% đối với tất cả các doanh nghiệp. Hiện tượng gia tăng theo thời gian phản ánh sự lạc quan của doanh nghiệp về nền kinh tế Việt Nam cũng như sự dịch chuyển sản xuất nói chung sang các mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn trong nước, dẫn đến nhu cầu lớn hơn về lao động có tay nghề. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI sẵn lòng chi trả cho điều kiện lao động hoàn toàn tập trung ở nhóm các mặt hàn chịu tác động của việc Mỹ áp thuế.

“Nếu cải thiện được chất lượng lao động trong nước, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và tạo được nguồn việc làm với mức lương cao hơn cho lao động Việt Nam”, ông Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ- Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nhấn mạnh.

Cần sự đột phá cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề

Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó GĐ Văn phòng, TGĐ, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, doanh nghiệp lúc nào cũng thiếu lao động nhưng việc tuyển dụng lao động ở Canon bao lâu nay vẫn rất khó khăn. Canon đi khắp nơi tuyển dụng nhưng vẫn không tuyển đủ. Lao động phổ thông tuyển đã khó, tuyển lao động tốt nghiệp cao đẳng càng khó vì nhà máy đặt tại Bắc Ninh nên không thu hút được họ về làm việc.

Do đó, doanh nghiệp cũng có đối sách của mình, đó là tự động hoá các khâu có thể, như sử dụng robot cung cấp hàng thay thế lao động. Tuy vậy theo bà Huyền, để đảm bảo sức cạnh tranh và duy trì sự phát triển của nhà máy không thể cứ đầu tư tự động hoá và không cần nhân công. Trong khi đó, kỹ sư điều khiển tự động hoá còn thiếu. Hơn nữa, áp dụng 4.0 cũng như tự động hoá đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và không thể thay đổi ngay lập tức, khi đó doanh nghiệp cũng khó cạnh tranh về giá.

Chính vì vậy, theo bà Huyền, việc nhà nước và người dân thay đổi nhận thức là lời giải nhanh nhất cho bài toán thiếu nhân lực của doanh nghiệp. Nhà nước cần định hướng lại tuyển dụng đào tạo Đại học, vì tâm lý ai cũng muốn học đại học khiến tình trạng thiếu “thợ” diễn ra triền miên.

Bên cạnh đó, phân luồng lại học sinh tốt nghiệp cấp 3. Ở các nước như Trung Quốc họ có định hướng phát triển nguồn nhân lực 50/50, trong đó 50% học sinh tốt nghiệp cấp 3 học Đại học, 50% còn lại học nghề; Nhật Bản 70/30… Các nước chú trọng cả học nghề trong trường một cách thuần thục, ra trường có thể làm được việc luôn và có mức lương cao. Với Việt Nam, Nhà nước cũng nên thúc đẩy nhanh để có các trường dạy nghề tốt.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đề xuất, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động. Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn về kỹ năng tối thiểu cần có của các loại nghề nghiệp theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó, khuyến khích và tạo điều kiện để các hội, hiệp hội nghề nghiệp tự xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp áp dụng cho các thành viên theo hướng áp dụng bộ chuẩn nghề nghiệp ở mức trung bình trong khu vực.

Đồng thời, hướng dẫn các trường, trung tâm và tổ chức dạy nghề xây dựng xây dựng các chương trình và cách thức đào tạo đáp ứng các yêu cầu này; Thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các trường, tổ chức đào tạo nghề theo kết quả đầu ra, như số học viên được đào tạo theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, số học viên tốt nghiệp đạt chuẩn nghề theo mức trung bình của khu vực, số học viên tốt nghiệp có được việc làm trong 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp…