The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hoạch định chiến lược liên kết vùng ĐBSCL theo chiều sâu

Để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo với chủ đề "Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng".
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kinh tế toàn Vùng có tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân chung của cả nước (từ 2010 - 2011 là 11,7%, 2012 - 2013 là trên 9%). Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của các tỉnh trong vùng những năm gần đây luôn nằm trong tốp đầu, năm 2013 có đến 3 địa phương được xếp vào nhóm "Rất tốt" gồm Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre; 2 tỉnh, thành thuộc nhóm "Tốt" là thành phố Cần Thơ và Trà Vinh. Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào "lợi thế tĩnh" về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra "lợi thế động" nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn Vùng.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định rằng, ĐBSCL đang đứng trước các thách thức lớn về phát triển như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và quản lí khai thác không tốt lưu vực sông Mê Kông dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; lũ hàng năm xảy ra với mức độ bất thường; khai thác sử dụng nước phía thượng lưu sông Mê Kông gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước cho vùng. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng sản phẩm và khả năng cung ứng ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, sự cạnh tranh gay gắt của thị trường lương thực và thực phẩm quốc tế đòi hỏi sự thay đổi cơ bản về quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn Vùng, quản lý chất lượng sản phẩm theo chuỗi khép kín, về liên kết nông dân và doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, về tham gia có hiệu quả vào chuỗi phân phối quốc tế...
Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, sự phát triển giữa các địa phương trong một vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách "phá rào", đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do còn thiếu các thể chế về kinh tế vùng và liên kết vùng cũng như cơ chế điều phối vùng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để xây dựng được cơ chế, chính sách trong liên kết vùng, đòi hỏi các địa phương phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, hiểu được tầm quan trọng của việc liên kết, lấy lợi ích chung để xác định mục tiêu. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có nhiều hoạt động kích thích liên kết vùng nhưng thực tế còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế, nhiều địa phương chưa xác định được ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Lê Vĩnh Tân đề xuất vùng ĐBCL, cần tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Trên cơ sở các quy hoạch và kế hoạch được phê duyệt, Vùng cần tập trung các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần tạo lập cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng, ưu tiên các vùng sản xuất nông nghiệp quản trị hiện đại quy mô lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho biết, hiện tại, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ KH&ĐT đang triển khai xây dựng dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL. Đây sẽ là quy chế liên kết vùng đầu tiên và ĐBSCL cũng là nơi đầu tiên có quy chế về liên kết vùng. Nội dung Quy chế hướng tới công tác quản lý thống nhất toàn vùng bằng việc phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng. Trong giai đoạn thí điểm, ĐBSCL sẽ tập trung liên kết trong các lĩnh vực như: đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy sản và các lĩnh vực xã hội; liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản để tạo thành chuỗi sản xuất cho từng ngành hàng; liên kết đầu tư và xúc tiến thị trường; hợp tác xây dụng thương hiệu chung và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm chủ lực của Vùng; thực hiện chiến lược tài nguyên nước để quản lý và sử dụng hiệu quả; liên kết trong giải quyết ô nhiễm môi trường và hợp tác trong ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nguyên Minh

Theo Báo Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28/10/2014