The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hoàn thiện thể chế luật pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những bước đi tiên quyết để hoàn thiện hơn nữa thể chế luật pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trình Quốc hội.

Đây là một trong những nỗ lực hoàn thiện thể chế về mặt pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm rõ hơn những nội dung trong dự thảo Luật này.

BNEWS: Thưa ông, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng sẽ có những điểm gì mới so với những chính sách hỗ trợ mà chúng ta đang áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần này chúng tôi đưa ra có một số điểm mới đáng kể. Thứ nhất là về các nội dung hỗ trợ; trong đó chủ yếu tập trung ở Chương Hai. Trong quá trình triển khai soạn thảo, chúng tôi nhận thấy rằng những hoạt động hỗ trợ này là quan trọng nhất và thiết thực nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trường Cục quản lý doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS

Nội dung các điều khoản trong chương này liên quan tới rất nhiều các vấn đề về ưu đãi thuế, ưu đãi về tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động cần thiết để các cơ quan, tổ chức cần triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm các hoạt động hỗ trợ về đào tạo, về thông tin, về khoa học công nghệ, về tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh và cả những hỗ trợ về mở rộng thị trường và mua sắm chính phủ cùng một loạt các hoạt động khác.

Ngoài ra trong chương này chúng tôi cũng dự kiến đưa ra hai chương trình cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và chương trình thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thành các cụm liên kết ngành tạo chuỗi giá trị.

Đây dự kiến sẽ là hai chương trình mang tính trọng tâm trọng điểm, nó khác với các quy định từ trước đến nay về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

BNEWS: Vậy theo ông, những giải pháp mới trong dự thảo Luật có tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển hay không?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Chắc chắn là chúng tôi kỳ vọng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đem lại rất nhiều sự thay đổi trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thứ nhất là về câu chuyện nội dung, chúng tôi đã tập trung lựa chọn các nội dung thiết thực nhất đối với nhóm doanh nghiệp này.

Ngoài ra chúng tôi cũng đưa ra những mức hỗ trợ thiết thực nhất và tương đối cụ thể, đây là điểm rất mới so với các văn bản pháp luật trước đây. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa ra có trọng tâm và trọng điểm.

Từ trước đến nay chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến cho rằng là công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta tương đối là dàn trải, đôi khi cũng có hoạt động nào đó nhưng rất khó để có thể đánh giá được tác động.

Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có các chương trình hỗ trợ thiết thực tới các nhóm đối tượng cụ thể. Ảnh: TTXVN

Vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng dự thảo luật lần này đồng thời cũng là ý kiến góp ý nhiều cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao từ việc dự thảo luật đưa ra một số nội dung rất cụ thể bao gồm các chương trình mà từ đó có thể hỗ trợ được nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mục tiêu.

Ngoài ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều điểm mới đối với tình hình chung trong việc xây dựng hệ thống pháp luật cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có luật này trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển cũng như là đang phát triển đã có luật này từ rất lâu. Luật sẽ đem lại các chính sách, nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở cấp văn bản pháp luật cao nhất.

Chúng tôi cũng tin rằng Luật sẽ tạo ra sự điều phối tốt ở tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan đến quá trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

BNEWS: Theo ông, liệu Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra sự không đồng nhất giữa các luật kinh tế nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng ?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Tôi cũng hiểu có nhiều ý kiến băn khoăn vì cho rằng Luật này có điểm trùng lặp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số Luật chuyên ngành khác hay không.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mang tính điều chỉnh đối tượng là doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, còn với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ở đây chỉ là hỗ trợ. Đây là công tác hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng yếu thế trong việc tiếp cận và truy cập đối với các nguồn lực của họ.

BNEWS: Chúng ta có nên lo lắng rằng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trái với quy định về thương mại quốc tế hay không, thưa ông ?

Ông Nguyễn Hoa Cương: Trong quá trình xây dựng dự thảo nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi có các thành viên trong ban soạn thảo là từ các đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia hiệp định quốc tế. Do vậy có thể khẳng định là chúng ta không có những vi phạm gì đối với các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, trong bản thân các hiệp định thương mại tự do, như TPP hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thì họ cũng dành một chương riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tức là bản thân các nước họ còn dành riêng những hỗ trợ nhất định cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không phải chỉ Việt Nam.

BNEWS: Xin cám ơn ông !

Diệu Linh

Bnews