The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hội nghị tập huấn Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho đại biểu HĐND tại thành phố Đà Nẵng

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. PCI được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phân cấp từ Trung ương xuống cấp tỉnh tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Những năm đầu tiên sau khi công bố, nhiều tỉnh, thành phố đã có những phản đối mạnh về chỉ số này nhưng dần dần đã chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Theo Nghị quyết số 19 ngày 18/3/2014 của Chính phủ, việc nâng cao Chỉ số PCI đã chính thức trở thành nhiệm vụ của các địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với vai trò cơ quan dân cử, việc nắm bắt về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thông qua chỉ số PCI cũng là một trong những kênh thông tin cần lưu tâm trong quá trình hoạt động của đại biểu HĐND. Nhằm cung cấp cho đại biểu kiến thức sâu về chỉ số PCI cũng như cách thức sử dụng và khai thác dữ liệu này hiệu quả nhằm phục vụ hoạt động ban hành chính sách và giám sát của đại biểu dân cử, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử thuộc Ban Công tác đại biểu phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị tập huấn "Tăng cường vai trò của cơ quan dân cử trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh" cho đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh/ thành phố khu Vực miền Trung và Đông Nam Bộ ngày 8/1/2016 tại thành phố Đà nẵng. Tham dự hội nghị có 44 đại biểu bao gồm các Phó Chủ tịch HĐND, UVTT HĐND và các đại biểu HĐND, lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Hội đồng nhân dân của 8 tỉnh/ thành phố trên cả nước. Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chủ trì hội nghị - bảy tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đại biểu HĐND tại Tp Đà Nẵng đồng thời gửi lời chúc sức khỏe tới các đại biểu. Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tuấn khẳng định vai trò phản chiếu của chỉ số PCI trong quản lý điều hành kinh tế ở địa phương, giúp chính quyền địa phương có thể nhìn thấy hiệu quả quản lý của mình trong môi trường kinh doanh tại địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đưa ra nhận định về tính cần thiết trong việc thực hiện bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chỉ số PCI ở cấp độ chuyên sâu. Đồng chí bày tỏ hi vọng sau hội nghị tập huấn, các vị đại biểu sẽ thu được nhiều thông tin bổ ích cũng như gợi mở được cách thức để sử dụng hiệu quả chỉ số này trong hoạt động xây dựng nghị quyết cũng như giám sát thực hiện nghị quyết tại địa phương trong lĩnh vực quản lý kinh doanh doanh nghiệp tại địa phương. Trong một ngày hội nghị, các đại biểu được nghe chia sẻ các chuyên đề: - Môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chuyên đề giới thiệu và cập nhật tình hình môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương quan so sánh với thế giới, các vấn đề kinh tế-đầu tư chính cần quan tâm. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng có sự đánh giá, so sánh và nhận định cơ hội và thách thức khi các hiệp định mà Việt Nam tham gia (FTA, TPP, ...) có hiệu lực để qua đó các đại biểu định hướng khi thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế tại địa phương. - Môi trường kinh doanh cấp tỉnh thông qua lăng kính PCI: Tại chuyên đề này, các báo cáo viên tập trung giới thiệu PCI, mục tiêu và phương pháp điều tra khảo sát, chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh, các nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương. - Sử dụng dữ liệu và kết quả PCI trong hoạt động của Hội đồng nhân dân: Chuyên đề 3 hướng tới việc giới thiệu cho đại biểu cách thức sử dụng và khai thác dữ liệu PCI đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong sử dụng dữ liệu PCI trong hoạt động chất vấn, giám sát của Hội đồng nhân dân; trách nhiệm và các vấn đề liên quan tới đại biểu dân cử khi sử dụng PCI trong hoạt động tại nghị trường. Nhằm giúp đại biểu nắm được ngay những nội dung cơ bản của khóa tập huấn, Các báo cáo viên tổ chức thực hành thông qua các tình huống giả định bằng phiên giải trình, qua đó giúp đại biểu vận dụng những kiến thức được trang bị và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để giải quyết vấn đề đưa ra. Các kỹ năng như tổ chức hội nghị tham vấn, kỹ năng tham vấn; kỹ năng chất vấn, ... được các đại biểu vận dụng thành thạo trong các bài thực hành.Trong phần thực hành, nhiêu câu chuyện thực tế xảy ra, cũng như những kinh nghiệm ứng xử của đại biểu ở các địa phưỡng cũng được chia sẻ chân thành sôi nổi giúp các đại biểu có thêm trải nghiệm về vấn đề liên quan. Qua một ngày tập huấn, nhiều đại biểu tham dự đánh giá cao về sự hữu ích của nội dung bôi dưỡng và cho rằng trong hoạt động sau này đại biểu sẽ lưu ý, quan tâm đến chỉ số PCI, coi đó như một kênh thông tin hữu ích phục vụ cho hoạt động của mình. Bên cạnh việc giới thiệu tới đại biểu về nội dung chỉ số PCI và cách thức sử dụng chỉ số PCI phục vụ hoạt động đại biểu của mình, cũng như cơ hội và thách thức của nền kinh tế với việc hội nhập sâu và rộng trong sân chơi quốc tế, hội nghị đã tạo diễn đàn để các đại biểu HĐND thảo luận về thức trạng quản lý và môi trường kinh doanh thể hiện qua chỉ số PCI qua đó đánh giá những khó khăn, thuận lợi, những vấn đề cần giải quyết chia kinh nhiệm của HĐND và cá nhân đại biểu trong việc sử dụng chỉ số PCI phục vụ hoạt động của mình, đồng thời thảo luận về các giải pháp để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng chỉ số PCI. Tiếp sau Hội nghị tập huấn này, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị với nội dung tương tự cho đại biểu HĐND của các tỉnh/ thành phố phía Nam vào ngày 14/1/2016 tại tỉnh Đồng Tháp.

Theo Báo Trung tâm đại biểu dân cử