The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hội thảo đánh giá chỉ số PCI năm 2022 và đề xuất giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023

Ngày 30/6, UBND tỉnh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá và phân tích các nội dung tác động đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các đồng chí: Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI đồng chủ trì hội thảo. Tham dự còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và trên 200 DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Các đồng chí: Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Văn Nỷ

Theo công bố của VCCI năm 2022, PCI tỉnh Ninh Thuận đạt 65,43 điểm, tăng 3,20 điểm, tăng thứ hạng 19 bậc so với năm 2021, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và nằm trong top 30, tỉnh thành phố có chất lượng điều hành tốt. Đặc biệt, trong năm 2022, VCCI bổ sung chỉ tiêu đánh giá những bước tiến về quản trị môi trường (Chỉ số xanh cấp tỉnh - PGI), Ninh Thuận xếp hạng thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần, Ninh Thuận có 7 chỉ số tăng điểm số và thứ hạng, gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh và chính sách hỗ trợ DN. Có 3 chỉ số giảm điểm số và thứ hạng là chi phí không chính thức, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Tại hội thảo, chuyên gia của VCCI đã đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện chỉ số PCI, từ đó phân tích các cơ hội thách thức đối với cộng đồng các DN của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát với thực tế để triển khai trong thời gian tới.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn

Đại diện các DN và các sở, ban, ngành cũng đã trao đổi, phân tích, đánh giá khách quan những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, hiến kế các giải pháp cho tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phan Tấn Cảnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và DN của các cấp chính quyền, nhất là thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân, DN. Sớm thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch trực thuộc tỉnh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực kịp thời, hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền với DN; chủ động tiếp thu, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Văn Nỷ

Đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch tỉnh, tích hợp đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và định hướng phát triển các ngành lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, xây dựng phương án đầu tư, kinh doanh. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN theo quy định; hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới.

Theo Báo Ninh Thuận