The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hội thảo hướng tới đánh giá về khu vực ĐBSCL với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp.

Quyết không để doanh nghiệp (DN) phải “nằm chờ”, “nghẽn mạch” hàng tháng trời ở sở này, ngành kia mà không rõ lý do; cam kết tạo thuận lợi nhất cho DN, nhận khó khăn về chính quyền… Đây là những kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp để dẫn tới vị trí “á quân” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, khiến Thủ tướng đặc biệt ấn tượng.

Ngày 9/5, tại Đồng Tháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư từ kết quả PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Hội thảo hướng tới đánh giá về khu vực ĐBSCL với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi cho DN, nhận khó khăn về chính quyền

Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh ĐBSCL những năm gần đây rất khả quan. Năm 2013, Bạc Liêu đứng thứ 3 cả nước trong bảng xếp hạng PCI. Đồng Tháp luôn đứng trong top 5 các tỉnh có thứ hạng cao nhất cả nước những năm gần đây.

Năm 1014, trong cả vùng có 1 tỉnh lọt vào nhóm các tỉnh có sức cạnh tranh rất tốt, 10 tỉnh ở nhóm tốt và khá, chỉ 2 tỉnh ở nhóm tương đối thấp và thấp. Năm 2015, vẫn có 1 tỉnh duy trì được ở nhóm rất tốt, 10 tỉnh tốt và khá, chỉ còn 1 tỉnh ở nhóm tương đối thấp.

Ông Tuấn thông tin cụ thể, tính điểm trung bình về chỉ số năng lực cạnh tranh thì vùng ĐBSCL đứng đầu so với các vùng khác. Chi phí thời gian, tính năng động cũng như sự gần gũi của chính quyền với DN rất tích cực.

“ĐBSCL nói chung, tiêu biểu là tỉnh Đồng Tháp đã gây ấn tượng trong cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng DN cuối tháng 4 vừa qua. Thủ tướng đã biểu dương hoạt động “cà phê hàng tuần” lãnh đạo Đồng Tháp với các DN trong tỉnh để kịp thời nắm bắt tình hình, giúp tháo gỡ khó khăn cho DN” – ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, trong bảng xếp hạng các tỉnh đứng đầu và đứng cuối 10 chỉ số thành phần của PCI Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu về 2 tiêu chí chi phí thời gian và tính năng động.

Phấn khởi về những đánh giá tích cực nhận được, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chia sẻ kinh nghiệm, những thay đổi nhỏ của bộ máy lãnh đạo tỉnh đã mang lại những kết quả lớn.

Cụ thể, Đồng Tháp quyết định giảm 30% số buổi họp để lãnh đạo ngành, địa phương có thời gian đi cơ sở, vận dụng linh hoạt những chính sách chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho DN. Tinh thần của Đảng bộ, chính quyền tỉnh là quyết tâm không để bất kỳ DN nào phải thất bại khi đầu tư trên địa bàn tỉnh do nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan công quyền. Theo đó, chính quyền luôn cố gắng lắng nghe, thấu hiểu, đáp ứng nhu cầu chính đáng của DN, mạnh dạn áp dụng những đề xuất hợp lý của nhà đầu tư, DN trong xây dựng và thực thi chính sách.

Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan từng gây ấn tượng với thông điệp: “Chúng tôi muốn khâu thẩm định dự án đầu tư được thực hiện khoa học và chuyên nghiệp hơn, thay vì câu chuyện những DN phải “nằm chờ”, “nghẽn mạch” hàng tháng trời ở sở này, ngành kia mà không rõ lý do là gì”.

Chính sự thành công của các DN đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại địa phương này trở thành lợi thế quan trọng trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư tiếp theo. Đồng Tháp đã tạo dựng hình ảnh địa phương với mục tiêu: thống nhất trong tầm nhìn, đồng thuận trong hành động, xây dựng hình ảnh địa phương, kiến tạo động lực phát triển mới.

Thông điệp đưa ra với cộng đồng DN và nhà đầu tư là chủ động đến với DN chứ không thụ động chờ DN đến; tạo thuận lợi nhất cho DN, nhận khó khăn về chính quyền.

Lãnh đạo tỉnh này đánh giá, chuyển biến từ chính quyền quản lý sang chính quyền kiến tạo, phục vụ đem lại sự hài lòng cho người dân và DN.

Giám đốc dự án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Đậu Anh Tuấn nhận định, Đồng Tháp là hình ảnh về một đơn vị tạo bước chuyển rất tốt trong phép đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh khi đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước trong bảng xếp hạng PCI.

Hội nhập, nhiều tỉnh sẽ phải… hít bụi!

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đồng Tháp nói riêng cũng như các tỉnh ĐBSCL nói chung vẫn tồn tại những hạn chế không nhỏ. Vấn đề cần quan tâm hơn chính là điểm số về chỉ tiêu tính minh bạch.

Chất lượng lao động còn thấp cũng là một vấn đề lớn với khu vực khi chỉ số lao động qua đào tạo thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trong cả nước, kể cả so với vùng núi phía Bắc. Trong khu vực, tỉnh Trà Vinh bị đánh giá là có chỉ số đào tạo lao động thấp nhất cả nước (chỉ đạt 4,14/10 điểm).

Theo đó, nhiều dịch vụ hỗ trợ về DN của các tỉnh trong vùng cũng chưa phát triển.

Chất lượng thực thi tại các sở, ngành và quận, huyện cũng được cơ quan đánh giá cho là còn nhiều hanh chết.

Một vấn đề rất thời sự là đánh giá về khả năng hội nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, 25% DN nói rằng lần đầu biết về TPP, tới gần 50% DN được hỏi nói họ chỉ biết sơ sơ và cũng không quan tâm nhiều. Chỉ có 26% cộng đồng DN thực sự quan tâm, tìm hiểu kỹ về hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đã ký kết tham gia này.

Thách thức đối với ĐBSCL thời gian tới, theo ông Đậu Anh Tuấn là khi mở cửa hội nhập nhiều tỉnh sẽ được hưởng lợi nhưng nhiều tỉnh lại phải… hít bụi và ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ đó.

Bức tranh về DN tư nhân của các tỉnh trong khu vực này còn rất hạn chế, kém sức. Số lượng doanh nghiệp trên bình quân đầu người rất thấp. Đây là một nghịch lý vì khu vực tỏ ra rất năng động, DN báo lãi, báo lỗ rất tốt nhưng sức lực khối DN tư không cao. Quy mô DN cũng rất nhỏ, trung bình sử dụng khoảng 25 lao động, nghĩa là khả năng tạo việc làm cũng không cao.

Tăng trưởng xuất khẩu của ĐBSCL cũng rất thấp, hàm lượng hàng hoá xuất khẩu không cao với cơ cấu mặt hàng chủ yếu là nông phẩm chưa qua chế biến, không gia tăng được giá trị. Đây là một chỉ số thể hiện trình độ phát triển của khu vực.

P.Thảo

Dân trí