The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hội tụ điểm sáng kinh tế - xã hội, Thanh Hóa kỳ vọng phát triển vượt bậc

Là địa phương có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hoá đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội.

Điểm sáng về phát triển kinh tế

Trong những năm trở lại đây, nhờ có sự lãnh đạo chỉ đạo của cả hệ thống chính trị mà tỉnh Thanh Hóa đang dần chuyển mình, để tiến tới trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực Bắc miền Trung. Năm 2018 là năm đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục của địa phương với hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt, được đánh giá đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay.

huyu

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt qua con số 20.000 tỉ đồng. Nếu so với năm 2017 mới chỉ thu được trên 13.300 tỉ đồng và năm 2015 là 11.000 tỉ đồng và so với 8 năm trước đây (năm 2010), Thanh Hoá mới chỉ thu được trên 4.200 tỉ đồng (gấp 5,58 lần).

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, đều đạt nhiều thành tích ấn tượng… Bước sang năm 2019, mặc dù tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá vẫn nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp từ đầu năm.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 12/2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa; đó là sự đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Thanh Hóa phải phấn đấu là một hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân phải được hưởng lợi cao nhất, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển.

-0-0-

Môi trường kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa liên tục được cải thiện để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Nhắc đến sự phát triển của Thanh Hóa, có thể nhìn thấy rõ nhất qua sự phát triển mạnh mẽ của “tứ Sơn”. Đó là một Bỉm Sơn với trọng tâm là công nghiệp xi măng, từ sản lượng 2,5 triệu tấn/năm đến nay đạt gần 9 triệu tấn/năm và đang tiếp tục đi lên. Góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh sản xuất xi măng hàng đầu cả nước.

Một Sầm Sơn đã hoàn toàn “thay da đổi thịt” từ cơ sở hạ tầng du lịch với sự góp mặt của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đến văn hoá du lịch và cách làm du lịch, tạo nên một Sầm Sơn nổi tiếng trong lòng du khách thập phương thay thế cho Sầm Sơn với nhiều điều tiếng không tốt trong quá khứ. Thanh Hoá còn có một Nghi Sơn với sự phát triển đột phá được thúc đẩy bởi nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mà hạt nhân là dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9 tỉ USD.

Lam Sơn - Sao Vàng đã và đang từng ngày hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng hàng không Thọ Xuân đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành “thành phố sân bay”.

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, phản ánh qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 03 bậc, xếp thứ 25 cả nước trong 6 tháng đầu năm; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tăng 09 bậc, xếp thứ 11 cả nước. Cùng với đó, thu hút đầu tư trực tiếp đạt kết quả tích cực, chấp thuận chủ trương đầu tư mới cho 110 dự án (trong đó có 5 dự án FDI). Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 53.323 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 25/6, Thanh Hoá có 1.290 doanh nghiệp thành lập mới, xếp thứ 7 cả nước sau Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hải Phòng. Bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 sẽ tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 trụ cột chính là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; y tế; đô thị hóa và cơ sở hạ tầng, trong đó trọng tâm thu hút đầu tư của tỉnh tại Khu kinh tế Nghi Sơn”.

dgdgg

Mỗi năm Thanh Hóa đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, gắn với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động tối đa vốn cho đầu tư phát triển, xứng đáng là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của miền Trung và của cả nước.

Anh Thắng - Phạm Quốc - Nguyễn Xinh

Theo Báo Pháp luật Plus