The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên: Giải quyết điểm nghẽn trên đường đua chỉ số PCI

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được ví là chặng đường đua không có điểm dừng của các địa phương. Theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 5 năm liên tục (2015 - 2019), chỉ số PCI của tỉnh Hưng Yên ở thứ hạng trung bình và tương đối thấp. Do đó, việc xác định những chướng ngại vật, những điểm nghẽn trên “đường đua” PCI đòi hỏi có cái nhìn khách quan, thẳng thắn để có giải pháp phù hợp, góp phần cải thiện, bứt phá vị trí xếp hạng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Bài 1: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh – loanh quanh thứ hạng trung bình.
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua 10 lĩnh vực có tác động tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Ở Hưng Yên, xác định rõ sự quan trọng của chỉ số PCI, ngày 28.10.2016 UBND tỉnh có Quyết định số 2382/QĐ – UBND về Phê duyệt “Đề án cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh thuộc nhóm 30 địa phương có thứ hạng cao trong danh sách toàn quốc. Theo đó, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng và địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Đề án nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công ở các cấp, các ngành; tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh và phát triển; cải thiện rõ nét cả về điểm số và vị trí xếp hạng của tỉnh về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.
Tổng hợp số liệu của VCCI cho thấy, liên tục từ năm 2015 đến nay, chỉ số PCI của Hưng Yên đã có sự cải thiện, nhưng tiến độ chậm. Cụ thể năm 2015, chỉ số PCI của tỉnh chỉ ở mức 55,1 điểm, đến năm 2019 chỉ số PCI đã có sự cải thiện: đạt 63,60 điểm. Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền tỉnh đã có tác động tích cực trên thực tế và được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận. Tuy nhiên, 5 năm gần đây, trong cuộc đua chung, so với các tỉnh, thành phố, chỉ số PCI của Hưng Yên vẫn chỉ loanh quanh thứ hạng trung bình. Kết quả của Hưng Yên 5 năm qua trong bảng xếp hạng chung PCI 63 tỉnh, thành phố như sau: Năm 2015 xếp thứ 56 (nhóm trung bình), năm 2016 xếp thứ 50 (nhóm trung bình), năm 2017 xếp thứ 56 (nhóm tương đối thấp), năm 2018 xếp thứ 58 (nhóm trung bình), năm 2019 xếp thứ 55 (nhóm trung bình).
Làm việc tại VCCI, chúng tôi được biết, để khảo sát chỉ số PCI năm 2019, đơn vị đã liên lạc đến 450 doanh nghiệp dân doanh và 87 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Hưng Yên (ở thời điểm tháng 5.2019) để mời trả lời phiếu điều tra. Trong đó, 106 doanh nghiệp dân doanh và 49 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đồng ý tham gia khảo sát và đã cung cấp các câu trả lời hoàn chỉnh cho phiếu điều tra. Về đối tượng lấy mẫu phiếu điều tra, đó là các doanh nghiệp dân doanh (doanh nghiệp Việt Nam từ khu vực tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tính tới thời điểm tháng 5.2019 (thời điểm tiến hành chọn mẫu PCI 2019). Danh sách các doanh nghiệp sử dụng để chọn mẫu được cung cấp bởi Tổng cục Thuế. Trong số những người trả lời, khoảng 70% là giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp.
Theo tài liệu VCCI cung cấp, kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp về chỉ số PCI của Hưng Yên năm 2019 cho thấy, những vấn đề còn bất cập mà tỉnh cần quan tâm cải thiện là: Thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp cần nhanh chóng hơn: Điểm chỉ số Gia nhập thị trường đạt 6,18 điểm (giảm 1,32 điểm và 36 bậc so với năm 2018) xếp thứ 62/63 cả nước. Tỷ lệ doanh nghiệp chờ hơn 1 tháng hoàn thành các thủ tục hành chính (TTHC) để chính thức hoạt động tăng từ 5% (năm 2018) lên 19% (năm 2019). Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện TTHC xin cấp các giấy phép khác để hoạt động còn tương đối cao, trong đó giấy phép về phòng cháy, chữa cháy (41%), giấy phép kinh doanh có điều kiện (33%), giấy phép khác (33%)
Chính quyền cấp tỉnh cần năng động hơn trong việc nắm bắt và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp: Điểm chỉ số về tính năng động năm 2019 đạt 5,95 điểm, giảm 0,24 điểm và 31 bậc thứ hạng, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trên cả nước so với năm trước. Khoảng cách giữa chủ trương, chính sách của tỉnh và việc thực thi của các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã còn lớn, với 70% số doanh nghiệp cho rằng có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp sở/ngành.
Doanh nghiệp Hưng Yên vẫn còn nhiều lo lắng trong việc giải quyết tranh chấp qua tòa án, cũng như vấn đề an ninh trật tự để đảm bảo cho an toàn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp không muốn sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp lên đến 34%. Lý do không muốn sử dụng phương thức tòa án để giải quyết là do thời gian giải quyết quá dài (tỷ lệ 29%).
Trải qua 15 năm VCCI tiến hành điều tra PCI và công bố hàng năm, chỉ số PCI ngày càng trở thành một kênh hiệu quả, tin cậy để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trao gửi những ý kiến, mong đợi của mình về một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tới chính quyền các cấp. Chỉ số PCI được ví là chặng đường đua không có điểm dừng của các địa phương, do đó nhiều tỉnh, thành phố không ngừng nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI. Đối với Hưng Yên, để cải thiện PCI, mấu chốt quan trọng nhất là tìm ra được những chướng ngại vật, những điểm nghẽn căn bản, từ đó có giải pháp tháo gỡ tích cực, đồng bộ, hiệu quả.