The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên kiến tạo môi trường kinh doanh cởi mở

Mặc dù tỉnh Hưng Yên đã có nhiều nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp song các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX của tỉnh xếp ở thứ hạng khiêm tốn. Nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, với quyết tâm to lớn của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư.

Đó cũng là những hành động cụ thể trong thực hiện ba đột phá chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu sớm đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên có bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Vietnam Business Forum. Ngô Khuyến thực hiện.

Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII và Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Ông có nhận định như thế nào về những mục tiêu nổi bật trong phát triển kinh tế đến năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh giai đoạn 2016-2020?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã đề ra các chỉ tiêu phát triển chủ yếu giai đoạn 2016-2020 gồm: Tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8%/năm; trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng 2,5 - 3%, công nghiệp 9 - 10%, thương mại - dịch vụ 8,5 - 9,5%; kim ngạch xuất khẩu 16%... Đến năm 2020, Hưng Yên có cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 55% - Dịch vụ 37% - Nông nghiệp 8%; giá trị thu được bình quân 210 triệu đồng/ha; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng thu ngân sách trên địa bàn 13.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; GDP/người 75 triệu đồng. Điểm nổi bật là chuyển dịch cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ; đưa Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.

Để đạt được những mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh giai đoạn 2016-2020 là:

Thứ nhất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp nhận chọn lọc các dự án đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, tiến độ triển khai nhanh, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp nhiều cho ngân sách.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; định kỳ tổ chức gặp mặt để nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh. Tỉnh sẽ cung cấp số điện thoại, đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà .

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình trọng điểm, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường, cầu nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; nâng cấp Quốc lộ 38 và các quốc lộ qua địa bàn tỉnh; xây dựng tuyến đường trục kinh tế Bắc-Nam; đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng để thu hút thêm từ 3 đến 4 trường đại học vào Khu Đại học Phố Hiến.

Thứ tư, chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tăng cường đào tạo, cung ứng lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân (PAPI).

Ông đánh giá sao về kết quả đạt được trong công tác CCHC của Hưng Yên theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ?

Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020; UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố thực hiện; điển hình là Kế hoạch17/KH-UBND ngày 20/02/2012 về CCHC nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 18/7/2014 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Sau 4 năm (2011-2015) triển khaiđã tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ công chức, viên chức đối với nền hành chính văn minh, hiện đại, phục vụ. Cho đến nay, kết quả đạt được nổi bật gồm:

Về cải cách thể chế: HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 198 văn bản quy phạmpháp luật, trong đó có 70 nghị quyết, 88 quyết định và 40 chỉ thị, đề cập cáclĩnh vực: Kinh tế - tài chính, tổ chức hoạt động bộ máy chính quyền, tài nguyên và môi trường.... Tất cả đều đảm bảo đúng quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn địa phương, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Về cải cách TTHC: Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 41 quyết định công bố 1.536 lượt TTHC được công bố mới, công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ. Hiện tổng số TTHC của tỉnh là 1.472 thủ tục, đều đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước: UBND tỉnh hiện có 17 cơ quan chuyên môn; 163 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và cơ quan thuộc UBND tỉnh. Từ năm 2013, Hưng Yên đã không thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, đến ngày 30/6/2014, 100% các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành Đề án Xác định vị trí việc làm; số lượng vị trí việc làm được duyệt là 2.893 vị trí. Đây là cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thông qua các khâu: Tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, luân phiên, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Các quy định về tuyển dụng, sử dụng cũng được UBND tỉnh hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý để các cơ quan trực tiếp sử dụng lao động phát huy dân chủ, minh bạch, công khai trong điều hành thực thi nhiệm vụ.

Về cải cách tài chính công: UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tài chính. Cho đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đều có Quy chế chi tiêu nội bộ; việc lập, thẩm định dự toán, cấp phát kinh phí theo kế hoạch hàng năm về chi hoạt động được thực hiện đúng quy định.

Về hiện đại hóa hành chính: Đến nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có đường truyền số liệu chuyên dùng; 100% máy tính kết nối mạng LAN và Internet; 100% cán bộ công chức, viên chức sử dụng thư điện tử. Tỉnh cũng đã triển khai các phần mềm dùng chung như: Phần mềm quản lý văn bản; phần mềm tiếp nhận và trả kết quả; phần mềm theo dõi nhiệm vụ... đã tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu lực quản lý, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, từ năm 2014, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp tổ chức đánh giá kết quả CCHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thông qua việc chấm điểm xác định chỉ số CCHC hàng năm. Với việc thực hiện nghiêm túc, đánh giá khách quan, toàn diện, kết quả chấm điểm chỉ sốCCHC hàng năm đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị.

UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Quyết định số 1124/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 13/6/2016 về thực hiện các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020. Sau một năm thực hiện Quyết định số 922, Hưng Yên đã đạt được những kết quả nào và đâu là những điểm nhấn trong việc triển khai Quyết định số 1124, thưa ông?

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ mà trọng tâm là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; giai đoạn 2015 - 2016 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Sau một năm thực hiện Quyết định 922, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là CCHC liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, trọng tâm là rà soát TTHC, cắt giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiệnTTHC so với quy định hiện hành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được nêu trong Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 13/6/2014, trọng tâm là nâng cao sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong quá trình thụ lý, thực thi công vụ. Tỉnh đã công bố công khai các bộ TTHC đã được chuẩn hóa trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thực hiện một cửa điện tử để mọi cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình thực hiện. Hưng Yên cũng tăng cường công tác kiểm tra công vụ, thường xuyên giám sát bộ phận một cửa để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời và xử nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị quản lý trong thực thi công vụ. Phấn đấu năm 2016 chỉ số PCI của tỉnh tăng 10 bậc so với năm 2015.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đồng thời UBND tỉnh cũng mới tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp vào ngày 19/7/2016. Nhân dịp này, ông có thông điệp nào gửi tới cộng đồng doanh nghiệp?

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chương trình hành động số 1333/CTr-UBND ngày 28/6/2016; theo đó chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh CCHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quán triệt các sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp: “Doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế, sự hài lòng và thành công của các bạn là thành công của chúng tôi”.

UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân đã có những đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khẳng định sự phát triển lớn mạnh của từng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân là nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thu hút đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Hướng tới kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh (1831-2016), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941- 7/2016) và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/1/1997 – 01/1/2017), ông có chia sẻ điều gì?

Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2016), được sự quan tâm, giúp đỡ của cáccơ quan trung ương, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dântrong tỉnh. Hưng Yên đã đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa kinh tế phát triểnnhanh, từng bước ổn định và bền vững. Hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa,xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Vị thế Hưng Yên dần được nâng cao, kinh tế- xã hội phát triển, giáo dục- đào tạo, y tế ngày càng được cải thiện.

Để hướng tới và chào mừng các dịp kỷ niệm lớn; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động kỷ niệm, tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về lịch sử, truyền thống văn hiến và cách mạng quê hương Hưng Yên, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống, tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác, học tập góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh. Các hoạt động kỷ niệm được diễn ra tập trung vào hai đợt với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả.

VCCI News

VCCINews