Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ông NGUYỄN VĂN PHÓNG với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Phóng nhấn mạnh, năm 2019, Hưng Yên có những thành tựu đáng mừng về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI). Các khu công nghiệp nước ngoài đầu tư vào Hưng Yên đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thành công trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng đưa tổng sản phẩm (GRDP) tăng hơn 9,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,2 tỷ USD.

- Từ kết quả thu hút đầu tư của Hưng yên trong thời gian qua, xin ông cho biết định hướng của tỉnh giai đoạn tới?

Hưng Yên nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giữa tam giác phát triển kinh tế năng động Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí địa kinh tế như vậy, tỉnh xác định mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, năng động. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với tái cơ cấu các khu, cụm công nghiệp, phát triển bền vững doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất.

Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, các cấp ngành, chính quyền tỉnh cần quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, nghiên cứu xây dựng quy hoạch định hướng chiến lược sát với thực tế. Đặc biệt, các cấp, ngành thể hiện khát vọng mạnh mẽ hơn, phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và nội lực của tỉnh, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

 Nhà máy sản xuất tôn lợp của Tập đoàn Hòa Phát tại Hưng Yên

Nhà máy sản xuất tôn lợp của Tập đoàn Hòa Phát tại Hưng Yên

- Các chỉ số về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (PCI) của tỉnh Hưng Yên liên tục được cải thiện theo từng năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số chưa thực sự được doanh nghiệp ghi nhận, thưa ông?

Trước hết, từ những tồn tại của các chỉ số thành phần PCI, UBND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các sở, ngành, địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tập trung nghiên cứu kỹ những nội dung trong các chỉ số thành phần. Từ đó, tỉnh đã đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân của các chỉ số thành phần giảm điểm liên quan đến quản lý của các sở, ngành, địa phương. Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để cải thiện những chỉ số có trọng số cao nhưng điểm số còn thấp và những chỉ số thành phần ít được cải thiện, thường giảm điểm.

Ngay từ khi có kết quả xếp hạng PCI năm 2018, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, giám sát rút kinh nghiệm những hạn chế, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tỉnh thường xuyên tổ chức làm việc với các bộ, ngành Trung ương và VCCI.

Đây cũng là những nhiệm vụ chính của Hưng Yên nhằm cải thiện hơn nữa những chất lượng điều hành kinh tế, nâng cao chỉ số PCI những năm tiếp theo.

- Đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển là những mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương. Hưng Yên đã có những động thái gì để đáp lại những đề nghị chính đáng đó, thưa ông?

Một trong những giải pháp cải thiện chỉ số PCI là làm cho doanh nghiệp cảm thấy hài lòng và cảm nhận tốt về môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, Hưng Yên quyết tâm xây dựng một nền hành chính phục vụ, nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển của địa phương.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư, cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng... hạn chế thanh, kiểm tra chánh chồng chéo. Tỉnh sẽ rà soát lại năng lực chuyên môn, thái độ làm việc của cán bộ công chức thực thi công vụ, nếu phát hiện hành vi gây nhũng nhiễu sẽ xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân cũng được ưu tiên.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được triển khai bằng những hành động cụ thể. Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương sẽ nghiêm túc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Từng cán bộ công chức chú trọng tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, hoàn thiện các thủ tục về đất đai, xây dựng... trong quá trình thực hiện dự án, giải quyết nhanh gọn, chính xác các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Với những giải pháp đó, Hưng Yên quyết tâm hướng tới một chính quyền phục vụ và kiến tạo, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, sự quan tâm hợp tác của nhà đầu tư là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp