The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững

Tỉnh Hưng Yên cần tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; khẩn trương rà soát, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Thông báo nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của cả nước, nhiều địa phương tăng trưởng âm, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh". 6 tháng đầu năm 2020, Hưng Yên là một trong 4 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,83%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 7,38%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,58%; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 7,76%; sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 2,55%...
Hưng Yên là một trong 8 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả tích cực.
Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được nghiêm túc triển khai thực hiện.
Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA 7 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, giải ngân được trên 2.700 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch Chính phủ giao, là một trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về giải ngân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Hưng Yên còn một số hạn chế cần lưu ý khắc phục: Vốn ODA giải ngân thấp hơn mức bình quân chung cả nước, một số dự án còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tình trạng khiếu kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính có ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích phát sinh còn rất thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 còn thấp.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên cần phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới tới đầu tư; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, gắn cải cách hành chính với việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc nhóm các tỉnh khá của cả nước.
Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020
Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm đối với công chức; hoàn thiện và ban hành quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ.
Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; khẩn trương rà soát, tổ chức liên thông các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính.
Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh; tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.
Cần phân loại các dự án đầu tư công theo tiêu chí tiến độ, trong đó, nhóm 1 là các dự án đã hoàn thành, có khối lượng, cần hoàn tất thủ tục thanh toán, quyết toán; nhóm 2 là những dự án có khả năng hoàn thành nhưng thủ tục giải ngân còn vướng mắc, nêu rõ khó khăn, vướng mắc, cấp có thẩm quyền giải quyết; nhóm 3 là những dự án khó có khả năng hoàn thành hoặc tiến độ quá chậm, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục... thì kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan trung ương, tạo hiệu quả, sức lan tỏa đối với phát triển kinh tế - xã hội...