The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Hưng Yên với ba khâu đột phá phát triển kinh tế

Ngay sau Đại hội Đảng bộ lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2015-2020), Tỉnh ủy Hưng Yên đã hoàn tất việc xây dựng các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội và bắt tay triển khai ba khâu đột phá nhằm tạo nền tảng để sớm trở thành tỉnh công nghiệp.

Nhiệm kỳ này, Hưng Yên đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân từ 7,5% đến 8%/năm, với tỷ trọng cơ cấu công nghiệp-xây dựng 55%; dịch vụ 37%; nông nghiệp còn 8%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa chín nghìn tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu trên, khâu đột phá đầu tiên được xác định là tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên xác lập cơ chế, chính sách tạo vốn, nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bằng một loạt biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ. Bảo đảm nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2015 - 2020 đạt 15 nghìn tỷ đồng (tăng 5 nghìn tỷ đồng so nhiệm kỳ trước). Thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là giảm 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ năm ngày xuống còn ba ngày, rút thời gian từ khi đăng ký đến thời điểm gia nhập thị trường của doanh nghiệp xuống còn nhiều nhất là sáu ngày. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khẩn trương làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai (như thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất) từ 30 ngày hiện nay xuống còn bảy ngày. Quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ 30 ngày xuống còn bảy ngày; thời gian thực hiện giao dịch bảo đảm đất đai, tài sản gắn liền với đất từ ba ngày xuống còn một ngày. Đơn giản quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định đồ án quy hoạch đô thị xuống dưới 25 ngày; thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng xuống dưới 20 ngày; thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở xuống dưới 40 ngày với dự án nhóm A; dưới 30 ngày với dự án nhóm B và dưới 20 ngày với dự án nhóm C.

Năm 2014, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hưng Yên xếp thứ 53 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước. Năm 2015, chỉ số tuy có tiến bộ nhưng chỉ lên được hai bậc, xếp thứ 51. Do vậy, trong khâu đột phá thứ nhất này, Hưng Yên chú trọng rà soát thủ tục hành chính, đơn giản và sửa đổi, bãi bỏ các quy định, thủ tục rườm rà, không cần thiết. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức gây khó khăn, vòi vĩnh, phiền hà, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, Hưng Yên chủ trương đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, v.v. Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng từ 9% đến 10%, có từ hai đến ba khu công nghiệp mới và 10 cụm công nghiệp; tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 10 tỷ USD trở lên.

Khâu đột phá thứ hai là huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là lĩnh vực giao thông. Trước mắt, Hưng Yên rà soát, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm cần hoàn thành sớm, đáp ứng yêu cầu cấp bách về kinh tế-xã hội. Đối với những tuyến đường giao thông có quy mô lớn thì sử dụng quỹ đất để đầu tư theo phương thức xây dựng-chuyển giao (BT). Tỉnh dự kiến huy động khoảng 150 nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó dành 50 nghìn tỷ đồng cho thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, hơn 80% số ki-lô-mét đường tỉnh lộ đạt cấp đường quy hoạch; 100% số tuyến đường liên huyện, liên xã được trải nhựa hoặc bê-tông; tất cả các đường thôn, ngõ xóm và các trục chính ra đường được cứng hóa; phối hợp các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng tuyến đường nối hai đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; nâng cấp quốc lộ 38, xây dựng các tuyến đường vành đai của Hà Nội đi qua địa bàn; hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Xây dựng thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III, các thị trấn Như Quỳnh, Văn Giang, Yên Mỹ, Bồ Thời, Dân Tiến đạt đô thị loại IV...

Khâu đột phá thứ ba là thực hiện tốt công tác cán bộ, đẩy mạnh việc luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức. Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên hợp lý, công tâm, phát huy thế mạnh của từng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân sự bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trên cơ sở văn bản của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ của tỉnh cho phù hợp thực tế. Hằng năm, căn cứ kết quả quy hoạch cán bộ tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học… Chú trọng đào tạo sau đại học với cán bộ trẻ có triển vọng phát triển. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ, bảo đảm cấp trưởng các ngành kiểm sát, công an, tòa án thuộc huyện, thành phố không là người địa phương. Ủy viên thường trực các huyện ủy ít nhất có một thành viên không là người địa phương. Tăng cường điều chuyển các tỉnh ủy viên, trưởng các sở, ngành, đoàn thể về tham gia thường trực các huyện ủy, thành ủy; cấp trưởng phòng trong diện quy hoạch về các huyện, thành phố để đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn.

NGUYỄN THẾ ĐẮC (HƯNG YÊN)