The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Khăn Khaisilk “Made in China”: “Gian lận nguồn gốc hàng hoá có nguy hiểm cho xã hội không? Câu trả lời chắc chắn là có”

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận việc bán khăn lụa gian lận nguồn gốc xuất xứ của Khaisilk không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn tác động dài hạn, gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm.

Khăn Khaisilk “Made in China”: “Gian lận nguồn gốc hàng hoá có nguy hiểm cho xã hội không? Câu trả lời chắc chắn là có”

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI

Ngày 25/10, Hoàng Khải, ông chủ Khaisilk đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốcvà bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái sau khi người mua phát hiện chiếc khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam”.

Bộ Công Thương ngày 26/10 đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Trường hợp, nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Liên quan đến vụ việc này, hiện có nhiều ý kiến phân tích, bình luận khác nhau dưới các góc độ truyền thông, góc độ pháp luật.

Bình luận về vụ việc này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vụ khăn lụa Khaisilk là một case thú vị về pháp luật kinh tế.

Theo ông Đức, để nền kinh tế thị trường có thể vận hành tốt, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của Nhà nước là bảo vệ tài sản và hợp đồng. Nền kinh tế thì cần có tự do hợp đồng. Tức là Nhà nước không can thiệp vào một giao dịch mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ khi mà hai bên đã đạt được thoả thuận trên cơ sở không ép buộc, không lừa dối.

Nhưng, nếu có sự lừa dối khi giao kết hợp đồng, từ cái nhỏ như cân điêu ở chợ hay gian lận cước taxi, đến cái lớn như Huyền Như lừa đảo cả ngàn tỷ, thì đều cần có bàn tay Nhà nước can thiệp.

Đây không phải là hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế. Quan hệ dân sự kinh tế chính là quan hệ hợp đồng tự do thoả thuận. Nhưng nếu cái hợp đồng đó được lập dựa trên gian dối thì đó không còn là quan hệ dân sự kinh tế nữa. Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá.

“Việc gian lận nguồn gốc hàng hoá có nguy hiểm cho xã hội không? Câu trả lời chắc chắn là có”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo ông Đức, lừa mỗi người vài trăm ngàn đến vài triệu, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người qua cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng và đặt vấn đề: “Một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?”.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Đức, không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.

“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”, ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cho biết, có người lo ngại, nếu trừng phạt nặng doanh nghiệp như vậy sẽ làm giảm động lực đứng ra kinh doanh của người dân, tuy nhiên nếu việc trừng phạt đó được làm một cách công khai, minh bạch hoàn toàn, khiến cho bất kỳ ai cũng hiểu đó là trừng phạt duy nhất hành vi gian lận (mà đằng sau đó không phải là đánh đấm, phe cánh, hay giơ cao đánh khẽ để kiếm tiền), thì nó chỉ làm giảm động lực kinh doanh gian lận, không thể làm giảm động lực kinh doanh chân chính.

NGUYỄN THẢO

Bizlive