The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Khẩn trương, quyết liệt triển khai các chính sách để người dân, doanh nghiệp sớm được hưởng thụ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai nhanh, đúng, đủ các chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật.
Những đánh giá tình hình kinh tế - xã hội từ cuộc họp Chính phủ thường kỳ được báo chí tập trung phản ánh.
Theo báo điện tử Vietnamnet, nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017 - 2022). Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%.
Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
Cũng nhìn nhận về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm, báo Lao động nhận định, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng thời gian tới, với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu giai đoạn này ước đạt 2,53 tỷ USD, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 1,5 tỷ USD.
Ghi nhận những điểm sáng kinh tế 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới đây, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm, hưởng thụ thật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo báo điện tử Chính phủ, Thủ tướng đã quyết định thành lập Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng; đồng thời, thành lập Tổ công tác để đôn đốc, hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế; cùng với đó, thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp "có vấn đề" trong phát hành trái phiếu
Cũng trong tuần qua, cơ quan quản lý đã có những động thái mạnh mẽ hơn để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo Sài Gòn giải phóng, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra và thanh tra theo các tiêu chí: khối lượng khi phát hành, phát hành lãi suất cao, trái phiếu không có tài sản đảm bảo và bảo lãnh thanh toán… Đặc biệt, danh sách này phải hoàn thành trước ngày 3/5.
Theo dự kiến, trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định năm 2020 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trái phiếu doanh nghiệp: Hiểu đúng mới mua
Mới đây, báo Tuổi trẻ có bài viết: "Trái phiếu doanh nghiệp: Hiểu đúng mới mua". Các trái phiếu rao bán hiện nay ở một số "chợ" trái phiếu phát hành riêng lẻ, thượng vàng hạ cám đủ cả nên bản thân người mua cần phải sành sỏi, có năng lực tài chính.
Nhìn chung, trái phiếu riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp nên người dân muốn mua nên mua qua các quỹ đầu tư có uy tín để có sự tư vấn, phân tích đầy đủ để đưa ra quyết định đầu tư nhằm hạn chế rủi ro và tối ưu lợi nhuận.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện
Trong tuần qua, việc công bố chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng là một nội dung dành được nhiều sự quan tâm. Đây là chỉ số nói lên cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền, là công cụ để chính quyền thúc đẩy bộ máy phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, trích lời ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc dự án PCI: "Thời kỳ dịch bệnh ảnh hưởng cực kỳ nhiều tới doanh nghiệp, nhưng các địa phương vẫn hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Tính năng động của chính quyền địa phương trong bối cảnh dịch bệnh được đánh giá là tốt nhất từ trước tới nay".
Cải thiện PCI từ thực chất
Còn theo báo Người lao động, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức khi tiếp cận thủ tục hành chính đang giảm dần từ 70% giai đoạn 2015 - 2016 còn 41% trong năm 2021. Tín hiệu này cho thấy nỗ lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, áp dụng công nghệ đang phát huy tác dụng khi góp phần làm giảm tham nhũng vặt một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh chi phí không chính thức là điểm sáng, theo Thời báo Ngân hàng, PCI 2021 có 8 điểm nhấn nổi bật khác. Trong đó, rõ nhất là các đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn ở địa phương. Có 85,6% doanh nghiệp nhận thấy "UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi"; 74% doanh nghiệp cho biết: "Khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh".
Doanh nghiệp "than khó" về thủ tục thuế, phí, đất đai, xây dựng
Còn về xếp hạng cụ thể của từng địa phương, theo ghi nhận của báo Đại biểu nhân dân, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng lần thứ 5 liên tiếp. Đáng chú ý năm nay Hải Phòng vươn lên vị trí á quân. TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ không góp mặt trong top 10 mà ở vị trí 14 và 12. Đáng chú ý, theo phản ánh của doanh nghiệp, thủ tục về thuế, phí, đất đai, xây dựng có xu hướng khó khăn hơn.
Trong bài viết "Chỉ số PCI 2021: Phía sau thứ hạng là những câu hỏi rất khó", báo Đầu tư đã nêu một vài con số khác cũng đáng chú ý, đó là những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Vì vậy, bài viết nhấn mạnh, nếu tỷ lệ khó khăn còn cao như vậy, dù mỗi năm PCI vẫn vinh danh các địa phương dẫn đầu, song môi trường kinh doanh chung sẽ khó thay đổi một cách bền vững. Kể cả với địa phương đã đứng đầu, việc giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, mà giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng lên tầm cao mới càng khó khăn hơn.
Theo CafeF