Vướng đến đâu, tập trung tháo gỡ đến đó
Đến dự buổi đối thoại có các ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng hơn 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, song kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh tiếp tục phát triển.
GRDP ước tăng 10,35% (xếp thứ 4 cả nước). Trong đó, các ngành công nghiệp; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản tăng cao… Đặc biệt, doanh thu du lịch ước đạt 31.800 tỷ đồng với 7 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 2,1 triệu lượt khách quốc tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 71.300 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022.
Các doanh nghiệp có sự quan tâm đến tỉnh Khánh Hòa sau khi các quy hoạch được phê duyệt. Đến nay, toàn tỉnh thu hút 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng vốn trên 40.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong và ngoài nước vào các khu vực như khu kinh tế Vân Phong, khu ven vịnh Cam Ranh, chương trình phát triển du lịch với các nước…
Theo ông Tuân, các vấn đề cũ còn tồn tại tỉnh cũng đang khẩn trương và tiếp tục giải quyết. Khi các bản án được thi hành, tỉnh sẵn sàng cùng với các doanh nghiệp thực hiện để các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh. Ông mong rằng các doanh nghiệp còn vướng mắc về thủ tục giao đất, cấp phép xây dựng, hoàn công… sẽ cùng các sở, ngành, địa phương sớm giải quyết để thị trường bất động sản được khơi thông.
“Năm nay, các chỉ số có tăng lên nhưng để đáp ứng hết cho tất cả các doanh nghiệp là một vấn đề còn khó khăn. Vì vậy, vướng đến đâu phải tập trung tháo gỡ đến đó; làm sao để các doanh nghiệp đến địa bàn Khánh Hòa phải thực sự thông thoáng. Không chỉ thực hiện đúng, chặt chẽ mà còn tạo sự thông thoáng để các doanh nghiệp tiếp cận, tránh phiền hà”, ông Tuân nói.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tổng hợp được 151 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Trong đó, có 134 kiến nghị đã được các sở, ban, ngành giải quyết. Các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm trễ, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai chương trình kích cầu du lịch...
Tại hội nghị, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở cam kết luôn luôn đồng hành và tích cực trong việc phối hợp cùng với các sở, ban, ngành giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm.
Quang cảnh hội nghị đối thoại. (Ảnh: Châu Tường).
Nhiều ý kiến của các doanh nghiệp trong buổi đối thoại
Bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa chúc mừng tỉnh này đã đạt được các chỉ tiêu kinh tế tăng so với kế hoạch, nhất là tăng trưởng GRDP; các chỉ số PCI, PAPI, Par – Index tăng mạnh trong năm 2022. Đồng thời, từ đầu năm đến nay tỉnh đã chủ trì tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và ban hành, đưa vào thực thi nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo bà Nguyệt, tại tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, doanh thu du lịch năm 2023 tăng 2,36 lần so với cùng kỳ thì đơn hàng xuất khẩu thủy sản, dệt may… giảm mạnh. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn của tỉnh về ngành dệt may và thủy sản, đơn hàng xuất khẩu năm nay giảm đến 40-60% so với năm 2022. Tuy xu hướng ở quý 3 và quý 4 có phục hồi và tăng nhẹ nhưng không ổn định, cùng với đó là sức mua của thị trường nội địa cũng suy giảm. Các doanh nghiệp phải cố gắng xoay xở để duy trì việc làm cho người lao động. Trong khi đó, các gói hỗ trợ về vốn vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển thì hầu hết các doanh nghiệp chưa được tiếp cận hoặc khó tiếp cận.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang rất trầm lắng, thủ tục hành chính giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp còn chậm.
Các doanh nghiệp cũng gửi phản ánh, kiến nghị các vấn đề về thuế VAT, hoàn thuế; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án; thủ tục xin phép mở rộng nhà máy sản xuất; thủ tục xin được cấp giấy phép xây dựng hoạt động bến thủy nội địa; giá thuê đất, thuê bãi biển…
Bên cạnh đó là các vấn đề liên quan đến khó khăn về đơn hàng, đề xuất hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường; các dự án nhà ở xã hội, giải pháp cung cấp vật liệu thông thường, đề xuất xây dựng dự án thăm dò quản lý khai thác khoáng sản, tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất sớm mở chuyến bay đưa khách Nga đến Khánh Hòa; sớm có quy hoạch riêng nông nghiệp xanh và công nghệ cao; kết hợp mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP tham gia các hội nghị, hội chợ; kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và các chính sách giảm thuế, giãn thuế…
Bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng đại diện VCCI tại Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu trực tiếp tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã trao đổi, kiến nghị đến UBND tỉnh một số vấn đề như mở rộng hẻm số 100 đường Trần Phú, Tp.Nha Trang để tạo thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra đối với các khách sạn tại đây; sớm ban hành quy hoạch làng nghề sản xuất nước nắm; giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp những vướng mắc về quy hoạch đô thị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện trong chính sách hỗ trợ thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho các dự án bị ảnh hưởng bởi việc lập, điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch… cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị, phần lớn các kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải trình, trả lời. Còn các kiến nghị khác được ban tổ chức ghi nhận và sẽ giải quyết trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp ý kiến trực tiếp tại hội nghị đối thoại.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số dự án cần rà soát lại; triển khai kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… nên mong các doanh nghiệp chia sẻ với tỉnh, vì thẩm quyền thuộc cấp trên. Bên cạnh đó, ông Tuân cũng kêu gọi và rất mong muốn các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư nhà ở xã hội.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa yêu cầu người đứng đầu các cơ quan phải có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn, thậm chí là giáo dục cán bộ, công chức, viên chức của ngành phải vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì lợi ích của người dân trong giải quyết các hồ sơ. Đồng thời, đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp...
Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với mục tiêu vì sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Riêng đối với các dự án đầu tư tại khu vực đồi, núi, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, tỉnh sẽ xem xét kỹ lưỡng để khi triển khai dự án vừa đảm bảo đúng quy hoạch, vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân sống xung quanh khu vực này…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kết luận hội nghị.
Theo Báo Người Đưa tin