The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Khánh Hòa: Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu đưa Khánh Hòa phát triển nhanh và bền vững

Nhân dịp đón xuân Đinh Dậu 2017, phóng viên Báo Khánh Hòa có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòavề những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đạt được trong năm qua và định hướng phát triển trong những năm tới.

Kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững

- Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?

- Năm 2016 mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, kết quả KT-XH năm 2016 đạt được là hết sức tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu KT-XH quan trọng của tỉnh, trong đó có 16/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như: tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 9,31%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9%; giá trị dịch vụ tăng 7,89; thu ngân sách đạt 18.073 tỷ đồng, bằng 130,3% dự toán (trong đó, doanh thu du lịch 12.998 tỷ đồng, tăng 16,43%)...; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững; điều kiện sống người dân được cải thiện và nâng cao; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng; tai nạn giao thông đường bộ giảm cả ba tiêu chí. Đặc biệt, đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, KT-XH của Khánh Hòa vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:

Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những tháng đầu năm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân; đồng thời, trong tháng cuối năm, tình hình mưa lũ diễn ra trên diện rộng, đặc biệt phải hứng chịu 2 trận mưa rất lớn gây lũ quét, ngập úng cục bộ tại TP. Nha Trang và một số địa bàn trong tỉnh, làm thiệt hại lớn sản xuất và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Một số dự án đặc thù, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh theo Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 135/VPCP-V.III ngày 5-1-2013, như: trục đường Bắc Nam Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; đường Nha Trang đi Đà Lạt, đoạn Nha Trang - Diên Khánh (dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng); đường Phong Châu; hệ thống thoát lũ từ cầu Phú Vinh về đầu sông Tắc; chỉnh trị hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường… chưa được Trung ương hỗ trợ vốn trong năm 2016, trong khi nguồn vốn đầu tư công của địa phương hạn chế nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Một góc TP. Nha Trang
Một góc thành phố Nha Trang

Việc chấn chỉnh hoạt động du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác quản lý giá dịch vụ lữ hành vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả, đồng thời đội ngũ hướng dẫn viên du lịch địa phương thành thạo ngoại ngữ vẫn đang rất thiếu.

Một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn trong việc xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị còn hạn chế.

Tất cả khó khăn, thách thức nêu trên được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm nỗ lực cùng nhân dân và chính quyền các cấp khắc phục, giải quyết nhằm đảm bảo phát triển KT-XH của tỉnh ổn định và bền vững theo mục tiêu đã đề ra.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính

- Để thực hiện thành công các chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra, xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh đề ra trong năm 2017?

- Năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ; các chương trình KT-XH; Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị. Tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020; chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tập trung triển khai có hiệu quả các quy hoạch, các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hình thành các vùng sản xuất tập trung như: lúa, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kế hoạch phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng và khai thác các thị trường mới; hoàn thành Đề án Xây dựng thương hiệu du lịch Khánh Hòa. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới; tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; đảm bảo công tác bảo vệ môi trường du lịch.

Năm 2017, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp, công trình trọng điểm tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn và các chương trình mục tiêu theo quy định của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm triển khai thực hiện.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật mới trên lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe. Chủ động phòng, chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng nguồn lực phát triển giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt các hoạt động, chương trình văn hóa, nghệ thuật, trong đó có chương trình Festival Biển 2017... nhằm phục vụ tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tập trung đào tạo các vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao cấp quốc gia, thể thao thành tích cao. Triển khai công tác chuẩn bị về nội dung, nguồn lực và tuyên truyền cho Hội nghị quan chức cao cấp APEC năm 2017 được tổ chức tại TP. Nha Trang.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường kiểm tra chấn chỉnh và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa của các cấp, các ngành, tổ chức thực hiện đơn giản hóa TTHC. Chỉ đạo kiên quyết, có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chỉ số cạnh tranh, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, xin ông nói rõ hơn sẽ triển khai những vấn đề này trong năm 2017 như thế nào?

- Cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Điều này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và trong các chỉ đạo của UBND tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19-2016 ngày 28-4-2016 và Nghị quyết số 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ.

Để trực tiếp cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, xây dựng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cải cách rất quyết liệt, nhằm cải thiện một cách bền vững môi trường kinh doanh, phục vụ ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp chứ không chỉ nhằm tăng hạng chỉ số PCI. Trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020 là minh bạch hóa toàn bộ cơ chế, chính sách và hoạt động công vụ, quyết liệt cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tập trung nâng cao năng lực, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và siết chặt kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh; nhằm tập trung đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch một cách thống nhất, đồng bộ; đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại để lắng nghe, giải đáp tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục; tăng cường niềm tin và tạo thuận lợi nhiều hơn để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh tại địa phương; đã phê duyệt 265 quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông, quy định rõ về trách nhiệm thời hạn, cơ chế phối hợp giải quyết hồ sơ giữa các cơ quan có liên quan, nhất là các thủ tục về đất đai, đầu tư, đánh giá tác động môi trường, khoáng sản, đăng ký kinh doanh, quảng cáo,… Tin học hóa toàn bộ quy trình trên phần mềm một cửa điện tử để kiểm soát chặt tiến độ giải quyết, giảm tối đa hồ sơ trễ hạn. Đã chỉ đạo triển khai trên diện rộng hệ thống tin nhắn tự động thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ để giảm đi lại nhiều lần; đẩy mạnh thực hiện thủ tục trực tuyến mức độ 3 với trên 5.300 hồ sơ điện tử đã được giải quyết thành công.

Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải kiểm tra, đánh giá tình hình giải quyết TTHC của từng cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng để có chấn chỉnh kịp thời; từ năm 2016, cơ quan nào 2 năm liền bị xếp hạng yếu kém về CCHC thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Năm 2017, UBND tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp, để có chỉ đạo kịp thời, khắc phục ngay các tồn tại nhằm bảo đảm đạt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh tại tỉnh. Đồng thời, sẽ tập trung chỉ đạo các đột phá sau đây:

Rà soát và ghép nối các các TTHC có liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết trên một quy trình, doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ một lần để giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu thủ tục. Thực hiện liên thông các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính về đất đai, môi trường, xây dựng từ ngày 1-1-2017.

Kiểm soát chặt các công việc giao cho các sở, ngành, địa phương, nhất là các công việc liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp để chấn chỉnh các trường hợp trễ hạn. Thông qua đường dây nóng một cửa, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo CCHC tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giải quyết và trả lời. Từ phản ánh, kiến nghị của công dân, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, thay thế một số cán bộ, công chức, viên chức chậm trễ, hướng dẫn hồ sơ không đầy đủ, gây phiền hà.

Trực tuyến hóa mạnh mẽ, giải quyết TTHC qua mạng Internet mức độ 3, 4. Trong năm 2017, tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh, thống nhất đầu mối cung cấp thông tin, cung cấp các dịch vụ công, giải quyết TTHC trực tuyến qua mạng Internet, thực hiện tương tác trực tuyến với doanh nghiệp và nhà đầu tư; giảm mạnh giấy tờ, hồ sơ; rút ngắn tối đa thời gian và minh bạch hóa toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục, thực hiện cơ chế chính sách, ngăn ngừa nhũng nhiễu; quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương trong việc phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp qua Trung tâm Dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp và đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh; nhằm cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn và hỗ trợ để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn thông tin chính thống phục vụ sản xuất kinh doanh, thực hiện TTHC. Tổ chức đối thoại doanh nghiệp và thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin điện tử CCHC tỉnh.

Với những giải pháp nêu trên, tôi tin rằng môi trường kinh doanh tại tỉnh trong thời gian tới sẽ chuyển biến tích cực, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kéo theo sự cải thiện đối với chỉ số PCI của tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Tuấn

Báo Khánh Hoà