Khảo sát DDCI: Động lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
06 Tháng 4, 2022
âng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) là một trong những chỉ đạo trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh Thanh Hóa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp (DN) vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện chỉ số này phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ số thành phần. Từ năm 2021, tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện khảo sát, đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Đây được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu để tỉnh Thanh Hóa tạo bứt phá về chỉ số PCI trong thời gian tới.
Nỗ lực cải cách
Giáp ranh với các khu vực kinh tế năng động như TP Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn, lại có lợi thế quốc lộ 1A đi qua địa bàn, huyện Quảng Xương ghi nhận tốc độ thu hút đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cùng với việc quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để tạo thuận lợi thu hút đầu tư, công tác cải cách hành chính cũng đang được địa phương đặc biệt chú trọng.
Ngoài việc công khai các quy hoạch phát triển, địa phương đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Huyện cũng đã tập trung xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, bảo đảm phục vụ cho việc trao đổi thông tin trong hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, hệ thống một cửa điện tử, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 và quý 1-2022, tổng số vốn đăng ký đầu tư mới của các DN trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với tổng số vốn đăng ký đầu tư trong 2 năm 2019, 2020. Nhiều dự án hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển đột phá cho địa phương, như: Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng nước khoáng nóng tại xã Quảng Yên của Công ty CP Mặt Trời Thanh Hóa; dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại và khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng của Tập đoàn BRG; khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong, với diện tích khu đất khoảng 25 ha của Danko Group; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Farmstay rộng 60 ha tại xã Quảng Lưu của Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị A&T Việt Nam...
Đầu năm 2022, huyện Quảng Xương đã thành lập Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn. Ban Chỉ đạo đã đề ra những mục tiêu cụ thể nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là ở các lĩnh vực theo bộ chỉ số DDCI. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các phòng, bộ phận chuyên môn đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, phát huy tính năng động, sáng tạo, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ nhằm hỗ trợ DN triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lọi trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, cho biết: Phối hợp với các tổ khảo sát chỉ số DDCI, địa phương đã cung cấp danh sách các DN, HTX, hộ sản xuất có mối liên hệ thường xuyên. Mặc dù tự xác định, xây dựng và chỉ đạo những mục tiêu quan trọng trong lộ trình cải cách hành chính, nhưng địa phương mong muốn, qua hoạt động đánh giá DDCI một cách khách quan sẽ chỉ ra những ưu thế cần phát huy, những yếu điểm cần cải thiện. Từ đó, giúp địa phương có hướng điều chỉnh, chỉ đạo cụ thể nhằm cải thiện hơn chất lượng phục vụ DN, nhà đầu tư, nhất là trong những lĩnh vực quan trọng như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ DN, cung ứng lao động...
Tại các sở, ngành, dù mới trong năm đầu tiên triển khai đánh giá DDCI, một số đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể trong lộ trình cải thiện chất lượng phục vụ của đơn vị mình. Điển hình như tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án, đơn vị đã chủ động quán triệt các nội dung của đề án đến toàn thể cán bộ, công chức. Đồng thời, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm xây dựng được 1 bộ chỉ số DDCI với năng lực cạnh tranh cao.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đơn vị đã ban hành kế hoạch thực hiện cải thiện chỉ số DDCI giai đoạn 2022-2025 và phân công cụ thể công việc, nhiệm vụ cho từng phòng, ban, đơn vị và cá nhân liên quan để tổ chức thực hiện. Sở cũng chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp nhận phản ảnh, kiến nghị của người dân, DN. Đồng thời, tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục cho DN, nhà đầu tư. Thực hiện tốt “2 đồng hành” và “3 cam kết”. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Cơ hội “soi mình”
Đánh giá về quyết tâm thực hiện bộ chỉ số DDCI của tỉnh Thanh Hóa tại thời điểm này, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: Thanh Hóa đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Điều này có thể nhận thấy từ thành công của việc thu hút dòng vốn đầu tư, cũng như những minh chứng từ những con số tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề. Việc Thanh Hóa mạnh dạn, quyết tâm đánh giá DDCI thể hiện rõ quyết tâm của địa phương trong việc tạo lập một môi trường đầu tư thông thoáng, tin cậy để tiếp tục đón đầu các dòng vốn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Đánh giá DDCI là sự trao quyền cho DN, nhà đầu tư, để họ đóng góp tiếng nói và giám sát các hoạt động điều hành kinh tế từ cấp cơ sở. Việc làm này sẽ đặt các các sở, ngành, địa phương của tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng hành chính công, thay vì việc rà soát, cải cách mỗi khi xảy ra sự cố. Cũng qua hoạt động đánh giá này thể hiện thông điệp cơ quan Nhà nước các cấp sẵn sàng lắng nghe góp ý từ DN, nhà đầu tư để “soi”, “sửa” những vấn đề khiến nhà đầu tư chưa hài lòng.
Thực tế, các hoạt động đối thoại giữa chính quyền các cấp và DN đã được các địa phương chú trọng, tổ chức định kỳ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với một số nhạy cảm như “chi phí không chính thức" hoặc với các tiêu chí khó định lượng như “tính tiên phong của lãnh đạo”... thì sự đánh giá bằng phương pháp điều tra xã hội học như DDCI sẽ có hiệu quả và tính chính xác hơn hoạt động đối thoại.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn: Sự cải thiện chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh và thứ hạng của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị qua phương pháp khảo sát DDCI sẽ quyết định đến chất lượng, điểm số của các chỉ số thành phần của PCI, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian gần đây, phần lớn các chủ đầu tư, DN khách quan nhận định: Cùng với những chỉ đạo mạnh mẽ trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ, DN ngày càng cảm nhận rõ rệt sự “thay máu” trong hoạt động điều hành của cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là hiện nay Thanh Hóa đang được đánh giá là địa phương có chi phí gia nhập thị trường thấp, dịch vụ hỗ trợ DN đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào... Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng mạnh mẽ hơn trong hoạt động cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và điều hành công việc.
Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá đã có những giải pháp quyết liệt nhằm xây dựng thành công chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ người dân và DN, tiến đến nền kinh tế số, xã hội số.
Hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đang hoàn thiện báo cáo khảo sát bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2021 và dự công bố kết quả vào cuối tháng 4-2022. Kết quả DDCI sẽ là cơ hội để các sở, ngành, địa phương tiếp tục nhìn nhận, tự “soi” lại những ưu điểm, yếu điểm của đơn vị mình. Những chỉ số nào được đánh giá thấp các đơn vị sẽ phải nhìn nhận lại để cải thiện, khắc phục trong thời gian tới.
Theo Báo Thanh Hóa