Khi doanh nghiệp thể hiện quyền đối tác
Những cảm nhận chân thực nhất từ phía cộng đồng DN thông qua chỉ số Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã mang đến động lực cải thiện chất lượng điều hành của các địa phương. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, DN đang ngày càng thể hiện vai trò là đối tác quan trọng của chính quyền.
- Theo ông hiệu ứng đáng quan tâm nhất của PCI 12 năm qua là gì?
Đóng góp quan trọng nhất là sự chuyển đổi tư duy của lãnh đạo các địa phương. Các tỉnh dần nhận ra cái gì là cần nhất đối với địa phương mình. Họ phải làm gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư.
Trước đây, các địa phương thường nhìn nhận cạnh tranh thu hút đầu tư chỉ xoay quanh việc có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển... mà ít chú trọng vào cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, việc cải thiện chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính đã đậm nét hơn trong các kế hoạch chương trình của các địa phương. Nhiều tỉnh vốn yếu thế về vị trí địa lý, thua kém về cơ sở hạ tầng đã lấy cải thiện chất lượng điều hành để bù đắp lại một phần những khiếm khuyết đó. Lào Cai và Đồng Tháp là một ví dụ.
Còn một việc rất có ý nghĩa mà PCI làm được thời gian qua đó là trao quyền cho khu vực DN tư nhân. Việc những DN tư nhân dám nhận xét lãnh đạo địa phương còn kém năng động, chi phí không chính thức hay nhũng nhiễu tại tỉnh còn cao, họ khó tiếp cận đất đai, cạnh tranh kém bình đẳng… trước kia hầu như không thể thì nay là chuyện hoàn toàn bình thường.
- Dưới góc độ cơ quan chủ trì nghiên cứu, điều tra PCI, Ban tổ chức đã có những điều chỉnh gì để giúp các địa phương ngày càng cải thiện PCI của mình, thưa ông?
Sau khi công bố PCI, nhóm nghiên cứu PCI thường xuyên phối hợp với các địa phương mổ xẻ, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của từng nơi.
Về phương pháp nghiên cứu, PCI với nhóm chuyên gia trong và ngoài nước đã đang hướng bộ công cụ này đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thế giới về điều tra xã hội học, thống kê. Tiếp nhận công nghệ tổ chức điều tra như PCI, hàng năm các chuyên gia của VCCI đang chủ động thực hiện đánh giá trong nhiều lĩnh vực khác như đánh giá hài lòng của DN về thủ tục hành chính thuế, về hải quan…
- Từ quá trình thực tế điều tra, nghiên cứu, ông có thể đưa ra những điểm nhấn về sự sáng tạo quản lý và điều hành của các tỉnh, thành?
Tôi rất mong tư duy điều hành coi DN là đối tác phải được lan tỏa ra từng công chức cụ thể, bền vững chứ không nên chỉ là thời điểm. Vì theo phản ánh của DN, tư duy hành chính hoá, chưa thực sự coi người dân và DN là đối tác vẫn còn tồn tại ở nhiều cán bộ công chức. Chính vì vậy, vai trò giám sát của người dân và DN ngày càng phải được củng cố. Qua đó, môi trường kinh doanh đầu tư của VN mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.Nói đến PCI là nói đến những sáng kiến, mô hình rất đa dạng đang được triển khai ở các tỉnh. Một số địa phương đã có những hoạt động rất cụ thể. Bắc Ninh đang vận hành mô hình “bác sĩ DN” để tháo gỡ vướng mắc cho các DN, nhất là DNNVV.
Hiệp hội DN Đà Nẵng tổ chức bình chọn và trao giải “nụ cười công chức” cho các cán bộ nhà nước hỗ trợ và đồng hành với DN nhất. Ở Quảng Ninh, mỗi người thực hiện xong thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của địa phương đều có thể bấm nút ghi nhận mức độ hài lòng. Tại Quảng Trị, mỗi người dân, DN thực hiện xong thủ tục hành chính thì dùng điện thoại di động để chấm điểm về chất lượng dịch vụ công... Dù những việc nêu trên có thể rất nhỏ nhưng thể hiện sự cầu thị của chính quyền các cấp và tạo áp lực đối với công chức. Tất cả điều này ghi nhận một bước chuyển từ nhà nước quản lý, ra mệnh lệnh, sang nhà nước cung cấp dịch vụ, nhà nước đối tác của người dân, DN.
- Xin cảm ơn ông!