The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Khơi dậy động lực cải cách môi trường kinh doanh

Năm 2024, Chính phủ đã khôi phục Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự trở lại của Nghị quyết sau một năm gián đoạn, mang theo thông điệp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. (Ảnh DUY LINH)
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. (Ảnh DUY LINH)

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 sẽ được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2023 Chính phủ đã gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP nhằm khẳng định môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, do chỉ là một nhiệm vụ trong các nhiệm vụ chung của Nghị quyết 01/NQ-CP cho nên mức độ quan tâm và động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương so với thời gian trước chưa cao. Năm 2024, dự báo kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét hơn với những yếu tố thuận lợi và khó khăn tiếp tục đan xen, do đó nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và phát huy thực chất nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Đó là lý do để Chính phủ khôi phục Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024 nhằm khơi dậy động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế.

Đây là năm thứ 10 của nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với đặc điểm nổi bật là có tính đột phá trong việc đề ra các mục tiêu rất cụ thể, so sánh vị trí, thứ hạng của Việt Nam với các nước trong khu vực và có giải pháp thực hiện nhằm đạt mục tiêu đó.

Tại Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với bối cảnh của năm. Trong đó, mục tiêu đưa số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023, là một chỉ tiêu đầy thách thức.

Những con số thống kê thể hiện rõ điều này: Năm 2023, cả nước có hơn 200 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường nhưng cũng có hơn 170 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hai tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhưng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng rất cao, lên đến gần 63 nghìn.

Đây không chỉ là những chỉ báo về sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh mà còn cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp đang suy giảm, môi trường kinh doanh còn thiếu hấp dẫn. Do đó, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh càng trở nên cấp bách hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang vững chắc dần theo thời gian. Chính phủ tiếp tục có nhiều hoạt động thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các nghị quyết, chỉ thị; các bộ, ngành, địa phương vẫn đang triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ).

Tuy nhiên gần đây chưa có các đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh mang tính đột phá, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới. Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét, giải quyết triệt để.

Cần các giải pháp dài hạn

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM nhận định, Nghị quyết 02/NQ-CP được ban hành trở lại đang làm tăng sức nóng cải cách và thực thi hiệu quả Nghị quyết là điều cộng đồng doanh nghiệp mong chờ. Theo đó, sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần thiết để tạo áp lực thúc đẩy quá trình cải cách nhưng sự chủ động và trực tiếp chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình này. Bên cạnh đó, quá trình cải cách không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp cũng như sự giám sát của các bên liên quan.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của một địa phương là điểm sáng về cải cách môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư những năm gần đây, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh cần đặt ra những nhiệm vụ cụ thể: Bám sát những điểm còn hạn chế theo đánh giá của Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI); làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cấp phòng và gắn trách nhiệm với người đứng đầu; xây dựng các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể theo nguyên tắc có thể đo lường được, có thể đạt được và có giới hạn về thời gian thực hiện…

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, TS Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh cần tầm nhìn dài hạn của các chính sách được ban hành. Cụ thể là tiếp tục kéo dài thời gian hỗ trợ về thuế VAT; bổ sung chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong thời điểm khó khăn, từ đó nâng cao sức mua của thị trường, kích thích sản xuất, tiêu dùng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP. Mục tiêu chung là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động…

"Khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan tới các quy định chính sách, pháp luật, nếu có một hoặc hai doanh nghiệp cùng kiến nghị về một vấn đề thì bộ sẽ nghiên cứu, nhưng nếu hơn ba doanh nghiệp có kiến nghị thì Bộ coi đây là nhiệm vụ chính sách", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nói.

Theo Báo Nhân dân