DNVVN là đối tượng được bảo hộ và ưu tiên không chỉ về tiếp cận vốn tín dụng mà còn được hỗ trợ pháp lý, mở rộng thị trường, phát triển nguồn lực… Các vấn đề này đã được cụ thể hóa trong 7 chính sách hỗ trợ chung, 3 chương trình hỗ trợ mục tiêu và trong nội dung Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ. DN càng nắm rõ các chủ trương này thì càng linh hoạt trong việc phát huy lợi thế và bù đắp điểm yếu của mình. Mặc dù vậy, quy mô DN càng bé thì lợi thế càng kém trong việc tiếp cận vốn, còn DN lớn thì sẽ có nhiều lợi thế khi vay vốn và hưởng các ưu đãi lãi suất khoản vay.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, lãi suất của các ngân hàng cho các DN lớn vay, bình quân là 7%/năm, còn với các DN nhỏ và siêu nhỏ thì có thể lên đến mức lãi suất 8%/năm. Đánh giá tình hình vay vốn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, chia sẻ: 87% DN cho biết phải có tài sản bảo đảm thì mới được vay vốn, do đó, việc vay tín chấp trên thực tế là rất khó khăn. Bởi một lý do, ngân hàng cũng là một DN và họ cần phải bảo đảm an toàn cho khoản vay của mình. Trong khi đó, uy tín của DNVVN nhiều khi chưa đủ bảo đảm cho giá trị khoản vay. Theo điều tra về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016 của VCCI, về tiếp cận vốn: Có 52% DN hiện đang vay vốn từ ngân hàng; đối với những DNVVN còn lại thì vay từ người thân, bạn bè hoặc vay các tổ chức tín dụng khác, thậm chí còn vay cả tín dụng "đen". Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết thêm, mức lãi suất tín dụng "đen" khi cho các DNVVN vay có thể lên đến 49%/năm.
Theo số liệu thống kê từ VCCI, đến hết năm 2016, Việt Nam có khoảng 600.000 DN, trong đó có 95% là DNVVN với doanh thu dưới 100 tỷ đồng/năm. Số lượng DN có doanh thu hằng năm dưới 20 tỷ đồng chiếm hơn 70% tổng số DNVVN. Ông Trần Anh Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Thiên Phúc và đại diện một số DN cũng nêu lên những khó khăn của các DNVVN hiện nay tập trung chủ yếu liên quan đến: Số năm thành lập ngắn; thiếu tài sản bảo đảm; báo cáo tài chính, báo cáo thuế chưa hoàn hảo; thủ tục rườm rà; nợ xấu chưa được xóa trên CIC… Trả lời cho những vấn đề này, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối DNVVN của VPBank, đã đưa ra giải pháp tài chính không tài sản thế chấp với những điểm khác biệt sau: Cấp tín chấp cho DN nhỏ và siêu nhỏ; cấp tín dụng không tài sản bảo đảm cho DN có thời gian hoạt động dưới 1 năm (với điều kiện đi lên từ hộ kinh doanh); chuẩn hóa bộ điều kiện cấp tín dụng để rút ngắn thời gian giải ngân cho khách hàng; phê duyệt căn cứ vào tình hình thực tế kinh doanh của DN hơn là vào hệ thống sổ sách; đa dạng hóa các hình thức cho vay…
Ngoài ra, ông Đào Gia Hưng cũng giới thiệu về hai sản phẩm chủ lực được VPBank phát triển dành cho DNVVN, đó là thẻ tín dụng doanh nghiệp (VPBiz) và vay tín chấp. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến SIMPLE BIL, gói vay tín chấp đặc thù chỉ có ở VPBank, vừa ra mắt, chuyên hỗ trợ cho DN mới, nhỏ và siêu nhỏ, với các ưu thế về tốc độ phê duyệt hồ sơ và hạn mức vay linh hoạt. SIMPLE BIL được VPBank kỳ vọng sẽ là “cánh tay” đắc lực khơi thông bế tắc về vốn, đặc biệt khi tình hình tiếp cận vốn trong nước còn khá khó khăn bởi phần lớn DN nhỏ không có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phức tạp, thời gian phê duyệt kéo dài, chưa nhiều ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ…
So với mặt bằng các ngân hàng thương mại trên thị trường nói chung, VPBank đã cởi mở hơn rất nhiều về điều kiện vay vốn dành cho khách hàng khi chấp nhận cả 2 loại hình vay thế chấp và tín chấp. Các sản phẩm dành cho DNVVN được VPBank “may đo” dựa trên đặc tính của các DN mới, nhỏ và siêu nhỏ là không có tài sản bảo đảm; hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chưa hoàn chỉnh… Nhìn chung, việc phản ứng với nhu cầu của thị trường DNVVN còn phụ thuộc nhiều vào “khẩu vị” tín dụng và chiến lược của từng ngân hàng. Tuy nhiên, sự chủ động và mạnh dạn đưa ra những cơ hội tiếp cận vốn rộng rãi cho các DNVVN là một điều rất đáng ngợi khen.
NGUYỄN ANH VIỆT