The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Không để tiến trình cải cách môi trường kinh doanh chững lại vì Covid-19

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh 2014-2020: Kết quả, bài học kinh nghiệm và kiến nghị” được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng nay (19/8) theo hình thức trực tuyến.
Theo đại diện CIEM, nâng cao chất lượng thể chế môi trường kinh doanh là một nội dung cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Từ năm 2014, Chính phủ đã lựa chọn cách tiếp cận cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế với việc ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014-2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (2019-2021). Qua 7 năm thực hiện, chất lượng môi trường kinh doanh ở nước ta đã có nhiều cải thiện tích cực và rõ nét, nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM): Các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh đã làm thay đổi nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về vai trò của cải cách môi trường kinh doanh đối với sự phát triển kinh tế. Cụ thể, năm 2014 chỉ có một số ít bộ, ngành quan tâm đến cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng đến năm 2016 nhiều bộ, ngành, địa phương đã tìm hiểu và triển khai Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. Từ năm 2017 đến nay, có thể nói tất cả các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được ý nghĩa của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh ở những mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch nên vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh bị chững lại. Ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh vẫn cần được Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục dyuy trì, triển khai.
“Bởi vì nếu dừng lại thì chúng ta phải mất vài năm sau mới lấy lại đà cải cách” – TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng CIEM khẳng định, đồng thời kiến nghị, Chính phủ tiếp tục cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, trong đó cần đưa ra những mục tiêu cụ thể về cắt giảm 1/3 hay ½ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì cái này có dư địa và hoàn toàn có thể thực hiện. Nếu làm được điều đó sẽ loại bỏ nhiều rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để cải thiện tốt môi trường kinh doanh theo bà Nguyễn Thị Cúc – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài Chính): Vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị là rất quan trọng, quyết định đến sự thành công trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ở đơn vị, địa phương nào người đứng đầu quyết liệt cải cách thì ở đó có sự thành công. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố hàng năm, cứ địa phương nào có đồng chí Bí thư, Chủ tịch quyết liệt thì ở nơi đó môi trường kinh doanh có sự cải thiện tích cực. Do đó, cần đề cao hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.