Kích cầu tiêu dùng nội địa: Giải pháp tối ưu để tăng trưởng
Sáu tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội của TP Hà Nội đạt 7,2%, trong đó bán lẻ tăng 7,1% và là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Để tiếp tục thúc đẩy tổng mức bán lẻ tăng trưởng những tháng cuối năm, kích cầu tiêu dùng hàng Việt được xem là một trong những giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất và tăng trưởng.
Người dân mua hàng tại siêu thị VinMart Hà Nội. Ảnh: Hải Anh |
Số liệu của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 7,37% (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, nhóm ngành dịch vụ tăng 7,42%. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phân tích, lĩnh vực thương mại do ngành Công Thương quản lý nằm trong nhóm ngành dịch vụ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ có xu hướng giảm dần từ năm 2011 đến nay (năm 2011 tăng 23,7%; năm 2012 tăng 18,3%; năm 2013 tăng 13,5%; năm 2014 tăng 12,2%; năm 2015 tăng 11,5%; năm 2016 tăng 8,8%), song đóng góp của ngành Công Thương vào tăng trưởng của tổng mức bán lẻ lại duy trì ổn định và ngày càng tăng (năm 2012 đóng góp 8% trong mức tăng 18,3%; năm 2013 đóng góp 7,1% trong mức tăng 13,5%; năm 2014 đóng góp 6,4% trong mức tăng 12,2%; năm 2015 đóng góp 6% trong mức tăng 11,5%; năm 2016 đóng góp 5,4% trong mức tăng 8,8%).
Trong khi đó, các lĩnh vực khách sạn - nhà hàng, du lịch lữ hành, kinh doanh bất động sản, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ, hành chính và dịch vụ hỗ trợ, giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động dịch vụ khác… chiếm tỷ trọng xấp xỉ 50% tổng mức bán lẻ nhưng tốc độ tăng trưởng thấp và đóng góp không tương xứng vào mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, lý do khiến sức mua hàng hóa của người tiêu dùng giảm là do thu nhập giảm, dẫn đến thói quen mua sắm của người dân thay đổi, chỉ tập trung vào mặt hàng thực sự thiết yếu cho nhu cầu đời sống hằng ngày. Để kích cầu mua sắm, các doanh nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa hấp dẫn, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết; trong đó các nhóm hàng như may mặc, đồ điện, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm… có mức giảm lên đến 50 - 70% giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu du lịch trong các đợt nghỉ lễ của người dân tăng cao, nên việc mua sắm trong những dịp này cũng giảm hẳn.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và tăng trưởng. Tuy nhiên, đẩy mạnh kích cầu tại thị trường nội địa cũng không dễ trong bối cảnh sức mua giảm và sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực... lại chưa quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, dẫn đến khó cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng.
Tự nâng cao năng lực cạnh tranh
Các doanh nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa để kích cầu mua sắm. Ảnh: Hải Anh |
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình như tháng khuyến mãi năm 2017, hội chợ hàng Việt, hội chợ đặc sản vùng miền, hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ, các chuyến bán hàng Việt tại ngoại thành, khu công nghiệp… để giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tăng cường bán hàng và kích cầu tiêu dùng trong nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố...
"Sở Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hoặc kết nối với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đa quốc gia; phối hợp với Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển triển khai quy trình xác thực chống hàng giả, sử dụng mã hình QR để truy xuất trực tuyến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, để thúc đẩy tổng mức bán lẻ tăng trưởng những tháng cuối năm, Sở Công Thương kiến nghị, các sở, ngành liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển các lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý như khách sạn - nhà hàng, du lịch, thông tin truyền thông, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, giáo dục và đào tạo, y tế..." - bà Phương Lan nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, muốn kích thích tiêu dùng, sản xuất trong thời gian tới, cần xem lại cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, có giải pháp tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có thể tính tới phương án giảm thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt...
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Hà Nội (năm 2016) tăng 10 bậc, chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc... Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là chưa đủ, mà các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư thiết bị công nghệ mới, tiết giảm chi phí đầu vào, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa... tạo niềm tin cho người tiêu dùng.