The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Kích hoạt” các giải pháp để Thủ đô cất cánh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội không chỉ trở thành một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế. Nhân dịp Xuân mới, mùa xuân của “niềm tin và hy vọng”, báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi bàn tròn với một số chuyên gia, nhà quản lý để lắng nghe những ý kiến gợi mở góp phần đưa Thủ đô thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển đẹp - giàu!

Ông Lê Thanh Vân - Đại biểu Quốc hội:Kiến tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị

Hà Nội là nơi tập trung nhiều doanh nhân, doanh nghiệp lớn, là nơi có quá nhiều đầu mối kinh tế. Vấn đề chính là để mở đường, chọn điểm kích hoạt cho các lực lượng này đồng hành với Đảng, chính quyền và Nhân dân tham gia các chuỗi giá trị kinh tế thì trước hết Hà Nội phải rà soát lại các nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp, phân loại để từ đó xác định các nhóm ưu tiên tương ứng. Ví dụ nhóm doanh nghiệp có tính chất sáng tạo thì sẽ hỗ trợ cho họ làm những việc có tính chất sáng tạo, phát triển.

“Kích hoạt” các giải pháp để Thủ đô cất cánh
Ông Lê Thanh Vân

Cụ thể là mở đường cho các ứng dụng công nghệ trong quản lý để thay thế cho con người, tiết giảm bộ máy các doanh nghiệp đang đi vào hoạt động ứng dụng công nghệ trong quản lý bằng công nghệ số. Hà Nội cần đầu tư trong giai đoạn ngắn để hiện đại hóa theo hướng công nghệ 4.0, có chính sách đặt hàng, tạo thị trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Hay với nhóm doanh nghiệp kiến trúc, Thành phố bằng chủ trương chính sách để làm sao cho họ phát huy sáng tạo. Rồi các doanh nghiệp dịch vụ công, chẳng hạn như các doanh nghiệp vận tải, giao thông họ có thể tham gia chuỗi giá trị mà không ảnh hưởng đến dịch vụ công ích, thậm chí hỗ trợ, bổ trợ cho nhau.

Ví dụ đơn vị cung ứng mạng lưới xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang quá tải, trong khi Khu đô thị Ecopark có đội xe buýt phục vụ cho cư dân ở đó, nếu được hòa mạng, tham gia, chia sẻ giao thoa cùng hệ thống xe buýt của Thành phố thì sẽ mang lại nhiều lợi ích. Chúng ta không nên cắt khúc, phân chia ranh giới, mà sự giao thoa ấy một mặt giúp Thành phố quản lý tốt hơn, cư dân thuận lợi hơn và rộng hơn là người dân nói chung được hưởng lợi.

Vấn đề ở đây là cần đưa ra khung chính sách để các doanh nghiệp khởi sướng, kiến tạo chính sách để các nhóm doanh nghiệp, doanh nghiệp thấy có cơ hội để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị. Chứ chỉ đưa ra định hướng chung chung thì rất khó để hình dung và cụ thể được. Đó là những bài toán cần tính đến để đánh thức tiềm năng và sự tham gia hàng loạt chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp có thể tham gia.

Theo tôi, trước mắt là Hà Nội không chỉ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 thực hiện đồng bộ với chính sách của Trung ương, mà Hà Nội nên có chính sách riêng để chia sẻ với doanh nghiệp, đó là nuôi dưỡng nguồn thu cho chính Hà Nội bởi cơ thể họ khỏe thì họ mới tạo ra của cải vật chất khỏe hơn.

Cụ thể, với thẩm quyền của Hà Nội nên ban hành các chính sách giảm phí và lệ phí, chia sẻ với doanh nghiệp trong ngắn hạn để họ có cơ hội phục hồi, tích hợp sức mạnh, sau này họ nhả tơ nhả kén, lúc đó nguồn thu sẽ tăng lên.

Cùng với đó là xem lại các rào cản về thủ tục hành chính, từ việc thành lập doanh nghiệp, đến việc triển khai các hoạt động, nhất là bảo đảm các hợp đồng, tài sản của các doanh nghiệp khi họ tham gia các hoạt động kinh tế, không chỉ với các cấp chính quyền thành phố mà với các doanh nghiệp, người dân với nhau.

Cụ thể là đảm bảo môi trường trật tự xã hội để các doanh nghiệp trú chân trên địa bàn hoàn toàn yên tâm. Rồi các hợp đồng ký kết với chính quyền, thể nhân, pháp nhân khác trên địa bàn thì bộ máy phải đảm bảo cho họ vững chắc, đúng pháp luật.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế:Cải thiện chỉ số PCI “mấu chốt của mấu chốt”

“Kích hoạt” các giải pháp để Thủ đô cất cánh
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Hà Nội có nhiều lợi thế và cả khó khăn khách quan trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bởi vậy, việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI) của Hà Nội là cấp thiết, nhưng không kỳ vọng giải quyết duy ý chí, đơn giản và đơn phương một lần tất cả các vấn đề, mà là quá trình liên tục, vừa tập trung giải quyết những vấn đề, chỉ số cấu thành PCI bức xúc, vừa phát huy những điều kiện có lợi thế nhất.

Trước mắt, Hà Nội cần đặt trọng tâm chỉ đạo phát huy những lợi thế về lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; theo đó, cần coi trọng nâng cao năng lực chính quyền điện tử và thành phố thông minh, cải thiện tính năng tiện ích thân thiện và hữu ích của trang web Hanoiportal và website của các các sở, ngành nhất là trong đăng ký kinh doanh, hải quan, quản lý đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch hoá thông tin, các tài liệu pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Niêm yết công khai quy trình, thủ tục hành chính, các văn bản pháp lý liên quan tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, đồng thời đăng tải trên website của các sở, ngành; chú trọng trong việc lập các mẫu giấy tờ, thủ tục để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng điền, hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời có hướng dẫn rõ ràng phương thức hoàn chỉnh hồ sơ; nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là giáo dục là thái độ ứng xử của cán bộ công chức...

Mỗi website đều phải duy trì tốt phần liên hệ để công dân, doanh nghiệp gửi thư và nhận được thông tin trả lời; qua đó cải thiện rõ rệt tính minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Hà Nội cũng cần coi trọng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết công việc của cán bộ, công chức phù hợp với yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền các cấp chuyên nghiệp để giải quyết công việc một cách nhanh, chủ động và từng bước chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại hoặc đẩy lên cấp trên; tăng cường công tác thanh tra công vụ tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp;

Tiếp tục duy trì và phát huy có hiệu quả hơn nữa mô hình “Tổ công tác liên ngành” trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; loại bỏ các đầu mối, công đoạn quản lý trung gian chồng chéo; thanh lọc và thay thế các cán bộ chủ chốt, cũng như công chức thừa hành kém hiệu năng, thiếu trách nhiệm công vụ và thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân; phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, các đường dây nóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kinh doanh, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp (trực tiếp, qua điện thoại hay email...)...giúp giảm thiểu phí không chính thức và gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Các cấp chính quyền cần tăng cường tần suất và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại doanh nghiệp – chính quyền, thông qua đoàn đại biểu Quốc hội của Thành phố, thông qua website của Thành phố và diễn đàn đối thoại trên mạng Internet, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; sớm tổng kết và tạo đột phá thể chế nhằm tăng vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, nghề nghiệp trên địa bàn.

Cuối cùng, cần đặt quá trình cải thiện PCI trên địa bàn trong tổng thể hoạt động thực hiện Kế hoạch số 167/KH-UBND hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố năm 2021 và Chương trình hành động số 217/CTr được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 11/11/2020, về triển khai thực hiện Kế hoạch số 210-KH/TU ngày 8/10/2020 của Thành ủy, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Đặc biệt, nên nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của Thành phố; tăng cường liên kết với các địa phương trên cả nước, nhất là vùng Thủ đô; xem xét đề xuất mở rộng áp dụng Luật Thủ đô cho vùng Thủ đô về quy hoạch và cơ chế đầu tư hạ tầng; xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể và cho từng ngành kinh tế, chuỗi sản phầm chủ lực và khu vực doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn Thủ đô theo yêu cầu hiện đại và phát triển bền vững; tăng cường khả năng phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô và vi mô, đáp ứng tốt trước những thay đổi và yêu cầu mới của bối cảnh trong nước và quốc tế...

Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Phải là nơi “trú chân” cho hàng Việt

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, chỉ với 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cụ thể Hà Nội đạt 16,7% GDP và 19% thu ngân sách - Đây là một tỷ trọng đáng kể cho ngân sách quốc gia và tăng trưởng hàng năm.

“Kích hoạt” các giải pháp để Thủ đô cất cánh
Ông Vũ Vinh Phú.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khắc phục tác động của dịch Covid - 19, Hà Nội cũng như các tỉnh thành phố khác trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép “Vừa tiếp tục phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế sau dịch”. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đạt 3,27% - gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP của cả nước.

Có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước bằng nhiều chính sách đối với doanh nghiệp, thì nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch đã góp phần đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Trong đại dịch, Hà Nội cũng như cả nước chịu tác động kép cả đầu vào lẫn đầu ra của sản xuất; đầu vào là bị đứt gãy gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu mà đang phụ thuộc 70 – 80% vào nguồn của nước ngoài. Mặt khác, do dịch ở các nước vẫn còn lan rộng, chưa biết đến bao giờ có thể dừng lại nên việc xuất khẩu giải quyết đầu ra cho sản xuất cũng gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng.

Chính vì vậy, trong thời gian 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp đã phải tìm kiếm các nguồn nguyên liệu khác, bao gồm cả nguyên liệu ở trong nước để tiếp tục sản xuất một cách ổn định. Từ đó có điều kiện giảm bớt những khó khăn về việc làm, đời sống, thu nhập của công nhân và người lao động trong các xí nghiệp.

Với thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thêm những thị trường ngách, thị trường mới để bù đắp lượng hàng hóa xuất khẩu bị suy giảm trong và sau khi có dịch. Ở thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã chủ động kết nối, xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thông qua các hội chợ, tuần lễ hàng hóa của các địa phương, đặc sản vùng miền được diễn ra liên tục và đạt được những kết quả ban đầu. Phong trào mỗi làng, mỗi xã, mỗi địa phương có những sản phẩm OCOP của Hà Nội ngày càng phát triển và đem lại những hiệu quả cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp Hà Nội cũng rất quan tâm đến việc tự nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các kênh thương mại hiện đại và thương mại truyền thống, bao gồm chợ, cửa hàng lẻ và cửa hàng tạp hóa. Giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực bán lẻ nội địa, Hà Nội hiện nay có 120 siêu thị, 25 trung tâm thương mại và 425 chợ và hàng nghìn cửa hàng tự chọn và siêu thị mini đã đóng góp một phần vào việc phát triển văn minh thương mại ở Thủ đô.

Đi đôi với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tăng cường, đánh trúng những ổ nhóm lớn, đạt được những hiệu quả tích cực. Tạo niềm tin phát triển cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị, nhất là nhóm hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đã chiếm đến 80-85%, hàng Việt đang vươn lên để chinh phục người tiêu dùng.

Công tác xây dựng thương hiệu, văn hóa kinh doanh và văn hóa phục vụ cũng được nâng cao, góp phần vào việc vượt qua những khó khăn trước mắt, phấn đấu đạt những chỉ tiêu trong năm 2021 mà thành phố đã đề ra làm tiền đề những năm tiếp theo.

Theo Báo Lao động Thủ đô