Kiên Giang: Cải thiện Chỉ số PCI để phát triển kinh tế bền vững
15 Tháng 10, 2021
Từ đầu năm đến nay, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19 song toàn hệ thống chính trị tỉnh Kiên Giang vẫn nỗ lực triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ - CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) … Động thái này cũng phần nào khẳng định quyết tâm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của Kiên Giang, phấn đấu đưa PCI năm 2021 trở lại thứ hạng Khá của cả nước.
Những điểm sáng tích cực
Khép lại năm 2020, điểm tổng hợp Chỉ số PCI của Kiên Giang đạt 60,01 điểm, xếp thứ hạng 62/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 12/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang nhìn nhận thời gian qua chính quyền rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dù vậy vẫn còn chưa thể đáp ứng nhu cầu của DN một cách toàn diện. Từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến Chỉ số PCI 2020 của Kiên Giang.
Để khắc phục những hạn chế này, và tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi hỗ trợ DN trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư và phát triển, góp phần nâng cao Chỉ số PCI, ngay từ đầu năm 2021 UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI để khẩn trương, chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với từng chỉ tiêu được phân công; quy định rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc Sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của các đơn vị.
Về công tác chỉ đạo điều hành, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 870/UBND-KT ngày 23/6/2021 về việc thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian qua; Công văn số 1068/UBND-KT ngày 20/7/2021 về việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh để triển khai, đôn đốc các Sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời ban hành Quyết định số 2034/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cải thiện và nâng cao các Chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI và SIPAS; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 20/9/2021 về việc cải thiện và nâng cao các Chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI và SIPAS của tỉnh Kiên Giang.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc đầy quyết tâm của các Sở, ban ngành, địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2021 việc thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ qua từng chỉ số thành phần. Cụ thể đối với Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký DN, đăng ký đầu tư, thực hiện hiệu quả quy trình một cửa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký DN, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới DN giảm xuống còn 1,5 ngày, cấp đăng ký thay đổi giảm xuống dưới 1 ngày. Kết quả trong 8 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 927 DN thành lập mới, tăng 5% về số lượng và tăng 55% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Chỉ số Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kịp thời nắm bắt và chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính về đất đai, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng,... nhất là theo dõi, kiểm tra việc ứng xử của cán bộ đối với người dân, DN nhằm phòng ngừa tình trạng nhũng nhiễu. Từ đầu năm đến nay, ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp chưa có trường hợp nào vi phạm hay bị phản ánh từ cộng đồng DN.
Đối với Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, tính đến hết quý III/2021, qua công tác kiểm tra, đánh giá cho thấy các hạn chế cơ bản được khắc phục như: việc chấp hành chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh được các Sở, ban ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện. Chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, không còn xảy ra tình trạng trông chờ cấp trên. UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và Hiệp hội DN tỉnh tổ chức thu thập ý kiến, kiến nghị của cộng đồng DN. Kết quả từ đầu năm đến nay, có 61 ý kiến, kiến nghị của DN. UBND tỉnh dự kiến tổ chức Hội nghị đối thoại DN vào thời điểm thích hợp sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát để có hướng đồng hành hỗ trợ DN trong điều kiện bình thường mới.
Đối với Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN, các Sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 13/11/2020 thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2021. Sở Công Thương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ như khảo sát, theo dõi tình hình khó khăn của DN để kịp thời hỗ trợ hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết. Tạo điều kiện cho DN trong phát triển CCN, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã ban hành các văn bản và thực hiện hỗ trợ DN tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức đường dây nóng để trao đổi thông tin giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu,…
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang liên kết các Cơ quan Thương vụ; Cơ quan, Tổ chức xúc tiến thương mại, Hiệp hội DN trong và ngoài nước tổ chức hoặc tham gia các sự kiện giao thương với đối tác nước ngoài, chủ yếu bằng hình thức trực tuyến để giới thiệu tiềm năng, thông tin sản phẩm và kết nối DN các nước; đồng thời tham gia các sự kiện kết nối ngoại thương do Bộ Ngoại giao, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Tổ chức Ernst and Young và ASEAN…tổ chức điển hình. Trung tâm còn phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các Hội, Hiệp hội DN đưa các sản phẩm xuất khẩu, nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản cả nước, trên các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tiêu thụ 60 sản phẩm nông, thủy sản của địa phương vào hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra các chỉ số thành phần khác như: Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động ; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự …cũng có sự cải thiện tích cực; được cộng đồng DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.
Không ngừng cải cách, đổi mới cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung khắc phục những khó khăn có liên quan đến các chỉ số thành phần; đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý điều hành, tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai các thông tin pháp lý… nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo sức hút mạnh trong đầu tư và phát triển DN; phấn đấu đưa Chỉ số PCI năm 2021 của Kiên Giang tăng điểm, tăng hạng để trở lại thứ hạng Khá của cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngày 20/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về việc cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI. Theo đó để đạt được mục tiêu cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI trong năm 2021, UBND tỉnh có sự phân công cụ thể, rõ ràng và yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan phải có sự quyết tâm chính trị cao trong nhận thức về Chỉ số PCI và tầm quan trọng của cộng đồng DN đối với sự điều hành phát triển kinh tế của tỉnh để tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 384/TB-VP ngày 4/6/2021 của Văn phòng UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành tại Hội nghị trực tuyến về phân tích Chỉ số PCI năm 2020 và Công văn số 870/UBND-KT ngày 23/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian qua.
Tỉnh chủ trương tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị để xác định rõ những phần việc đã làm được, những phần việc còn hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó thực hiện khắc phục, chấn chỉnh; có hình thức xử lý vi phạm hoặc điều động luân chuyển các cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, hiệu quả làm việc thấp. Thường xuyên theo dõi, đánh giá, quan tâm chăm bồi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có năng lực, trình độ, đạo đức và có nhiệt huyết trong thực thi công vụ.
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI cấp tỉnh cùng các Tổ Giúp việc trên cơ sở của 10 chỉ số thành phần. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các Sở, ngành và địa phương; đặt biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc với người dân, DN thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa DN với chính quyền địa phương các cấp trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chỉ số PCI đến cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang xác định Chỉ số PCI có liên quan trực tiếp đến hiệu quả mời gọi, xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn 2022-2025 và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Đặt trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, khi nền kinh tế cần phải tăng cường hấp thụ các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dần kéo lại đà tăng trưởng đang bị sụt giảm đáng kể do tác động xấu từ đại dịch Covid-19 thì giải pháp này lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Công cuộc cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI không chỉ thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh về một Kiên Giang năng động, hết mình, luôn đồng hành, chia ngọt xẻ bùi cùng cộng đồng DN và các nhà đầu tư.
Theo VCCI News