Kiên Giang: Đòn bẩy cải cách hành chính
Cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ DN, tăng cường liên kết hợp tác… là những vấn đề Sở KH – ĐT tỉnh Kiên Giang quyết liệt thực hiện nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Với vai trò là đơn vị tiên phong trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Nghị - GĐ Sở KH-ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, CCTTHC, tạo môi trường đầu tư thân thiện là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh nhằm tạo ra một nền hành chính công hiệu quả, chất lượng.
Bước chuyển cải cách
Tính đến nay, Sở KH - ĐT đã triển khai hai quy trình liên thông trong thực hiện thủ tục cho DN, nhà đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN thành lập mới còn 02 ngày, đăng ký thay đổi tối đa 01 ngày. Cùng với đó, Sở triển khai hiệu quả quy trình thủ tục liên thông đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục và triển khai thực hiện dự án. Thực hiện đăng ký kinh doanh trực tiếp qua mạng theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tại địa bàn TP. Rạch Giá, huyện Phú Quốc. Đến nay đã có 45 DN đăng ký kinh doanh qua mạng.
Ngoài ra, Sở KH - ĐT tham mưu cho tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số số 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Do đó, ở lĩnh vực thuế, thời gian nộp thuế của DN trên địa bàn tỉnh đạt bình quân 121,5 giờ/năm. Tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 95%, nộp thuế trên 90% và hoàn thuế cho DN đúng thời gian quy định trên 90%. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm. Thời gian thông quan giảm xuống còn 50% theo quy định như: hàng hóa thuộc luồng vàng quy định 02 giờ thực hiện dưới 01 giờ; hàng hóa luồng đỏ không phức tạp quy định 08 giờ thực hiện 04 giờ, luồng đỏ phức tạp quy định 2 ngày thực hiện 01 ngày. Riêng hàng luồng xanh (chiếm 80%) chỉ thực hiện khoảng 01 phút.
Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 35, Nghị quyết 19.
Để hỗ trợ DN hơn nữa, theo ông Nghị, tỉnh định kỳ tổ chức hai lần đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN trong năm. Hàng quý lãnh đạo tỉnh gặp gỡ DN, nhà đầu tư theo ngành nghề lĩnh vực để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Từ việc cải thiện môi trường đầu tư, năm 2016 Kiên Giang đã thu hút được 690 dự án, tổng vốn đăng ký 451.496 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2017 Kiên Giang đã có 03 nhà đầu tư đăng ký đầu tư và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký là 1.618 tỷ đồng. 02 nhà đầu tư FDI đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký là 1.280.086.543 USD. “Các dự án đầu tư đã tạo ra giá trị sản xuất mới, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cuả tỉnh”, ông Nghị nói.
Kiên Giang tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 35, Nghị quyết 19. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của bộ phận một cửa cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính cho DN. Thực hiện rà soát việc cải cách TTHC của tỉnh để phát hiện những khâu, các thủ tục còn rườm rà, không còn phù hợp, không thật sự cần thiết để cắt giảm nhằm giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho DN.
|
Để có được những thành quả đó, ông Nghị cho rằng, ngoài việc tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, Kiên Giang còn tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, chọn lựa những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai, thực hiện các dự án.
Đến nay, trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Kiên Giang đã có Tập đoàn Vin Group, Sun Group, Công ty du lịch Hoà Bình… đến đầu tư góp phần đưa Phú Quốc trở thành trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực và thế giới theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ. Trong lĩnh vực nông nghiệp có Tập đoàn Trung Sơn, Công ty Thông Thuận, Công ty Minh Phú,… tham gia đầu tư nuôi tôm công nghiệp, chế biến thuỷ sản tạo ra chuỗi sản phẩm từ nuôi trồng đến xuất khẩu. Ngoài ra, còn thu hút có những DN lớn, có thương hiệu uy tín như Bia Sài Gòn, may Vinatex, giầy Thái Bình, siêu thị Metro Cash & Carry, siêu thị Coop Mart... tham gia thực hiện dự án sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục cắt giảm những thủ tục không cần thiết
Mặc dù vậy, nhìn vào chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, ông Nghị chia sẻ, Kiên Giang vẫn có 5 chỉ số giảm điểm là: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý. Những chỉ số này làm thay đổi vị trí của Kiên Giang trong bảng xếp hạng toàn quốc từ vị trí thứ 11 năm 2015 xuống vị trí thứ 13 năm 2016.
Điều này cũng thể hiện thái độ không hài lòng của DN, nhà đầu tư đối với công tác thực hiện các TTHC, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Qua đó cho thấy, công tác CCHC tại một số cơ quan, đơn vị, chính quyền huyện thị từng nơi, từng lúc chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ có lúc lơi là, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần phục vụ,… dẫn đến tình trạng “một cửa nhưng nhiều khóa” gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư. Điều này đã và sẽ tác động không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư và định hướng phát triển của Kiên Giang.
Trước những thách thức còn hiện hữu, lãnh đạo tỉnh khẳng định tiếp tục đồng hành cùng 6.656 DN của tỉnh. Do đó, năm 2017 Kiên Giang đã đưa ra các quyết sách thực thi, quyết liệt “biến” lý thuyết thành hành động, tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư…
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho công dân và DN để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, làm khó DN trong quá trình giải quyết TTHC… “Chính quyền tỉnh đặt việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho DN với chủ trương “xem thành công của cộng đồng DN, nhà đầu tư là thành công của tỉnh””, ông Nghị quả quyết. Cụ thể, giao nhiệm vụ, trách nhiệm phân cấp phân quyền, tự chịu trách nhiệm, xử lý người đứng đầu… cho từng đơn vị liên quan.
Huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác thu hút đầu tư, hỗ trợ tổ chức, DN, nhà đầu tư, tăng cường thiết lập mối liên kết hợp tác, mở rộng quan hệ để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
“Hiện Kiên Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, kêu gọi đầu tư vào các KCN của tỉnh. Về du lịch, ngoài địa bàn Phú Quốc, tỉnh kêu gọi đầu tư vào khu vực Hà Tiên – Kiên Lương, huyện Kiên Hải, vườn Quốc gia U Minh Thượng là những nơi có nhiều tiềm năng, với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo. Về nông nghiệp thu hút nuôi tôm công nghiệp địa bàn Kiên Lương, Giang Thành và một số huyện ven biển. Đặc biệt là tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để kêu gọi đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đảo Phú Quốc…” ông Nghị hồ hởi nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Mai Thành Chính - GĐ Cty TNHH 1TV Thành Chính đánh giá, những năm vừa qua dưới sự lãnh đạo của chính quyền tỉnh cùng các sở, ngành nên việc đầu tư phát triển, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN đã đi vào chiều sâu. “Trong thời gian tới tỉnh cần có chính sách kêu gọi nhà đầu tư có tiềm năng vào phát triển du lịch, đưa ngành du lịch của tỉnhphát triển thành chuỗi liên kết, nâng cao trình độ nghiệp vụ du lịch gắn liền với đầu tư cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, để CCHC tốt hơn nữa, tới đây theo tôi tỉnh cần thành lập Trung tâm hành chính công để thủ tục đơn giản, ngắn gọn nhất cho DN và người dân”, ông Chính hiến kế.