The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kiên Giang: PCI ổn định tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện, phản ánh cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của chính quyền cấp tỉnh, trong việc tạo lập môi trường chính sách thích hợp để phát triển kinh tế. Kết quả PCI là cơ sở khách quan giúp tỉnh xem xét, phân tích, đánh giá lại công tác điều hành, quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu trong điều hành kinh tế của địa phương mình để có giải pháp chỉ đạo điều hành tốt hơn trong thời gian tới.

Năm 2014 tỉnh Kiên Giang ổn định trong top 10 thuộc nhóm các tỉnh xếp hạng "tốt". Trong đó các chỉ số tăng đáng chú ý để phát huy và giữ vững cho các năm sau đó là: Chi phí gia nhập thị trường: Đạt 8,64 điểm, tăng 1,3 điểm so năm 2013, từ hạng 37/63 tỉnh, thành (năm 2013), năm 2014 tăng 20 bậc và xếp thứ hạng (17/63) tỉnh thành so cả nước và xếp thứ 9/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Chỉ số này đạt điểm số 6,14 điểm, tăng 1,11 điểm so năm 2013, từ hạng 56/63 tỉnh, thành (năm 2013), năm 2014 tăng 31 bậc và xếp thứ hạng (25/63) tỉnh thành so cả nước và xếp thứ 5/13 tỉnh ĐBSCL; Thiết chế pháp lý: Chỉ số này đạt 7,33 điểm, tăng 0,93 điểm so năm 2013, từ hạng 13/63 tỉnh, thành (năm 2013), năm 2014 tăng 9 bậc và xếp thứ hạng (4/63) tỉnh thành so cả nước và xếp thứ 3/13 tỉnh ĐBSCL; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Đạt 5,64 điểm, tăng 0,18 điểm so năm 2013; mặc dù điểm số tăng nhưng lại giảm 9 bậc so với năm 2013 và xếp thứ 33/63 tỉnh thành so với cả nước và xếp thứ 6/13 tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên các chỉ số giảm điểm nhưng tăng hoặc giữ hạng cần có giải pháp khắc phục quyết liệt đó là: Chi phí không chính thức: Chỉ số này điểm số đạt rất tốt 7,02 điểm, giảm 1,92 điểm so năm 2013, nhưng vẫn nằm ở thứ hạng cao và vẫn giữ top đầu cả nước, xếp thứ 1/63 tỉnh thành so với cả nước, xếp thứ 1/13 tỉnh ĐBSCL; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo: Chỉ số này đạt điểm số 5,10 điểm, giảm 1,19 điểm so năm 2013, chỉ số này tuy giảm điểm nhưng lại tăng 2 bậc so với năm 2013 và xếp thứ 15/63 tỉnh thành và xếp thứ 8/13 tỉnh ĐBSCL (giữ nguyên hạng). Các chỉ số giảm điểm, giảm hạng: Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: Chỉ số này đạt điểm số 6,38 điểm, giảm – 1,49 điểm so năm 2013, từ hạng 5/63 tỉnh, thành (năm 2013), năm 2014 giảm xuống 5 bậc và đứng thứ hạng (10/63) tỉnh, thành so với cả nước và xếp thứ 8/13 tỉnh ĐBSCL.Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước: Chỉ số này đạt rất tốt được 8,1 điểm, tuy giảm 0,26 điểm so năm 2013, giảm 01 bậc nhưng vẫn nằm ở thứ hạng cao và xếp thứ 2/63 tỉnh thành so với cả nước, xếp thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL. Đào tạo lao động: Chỉ số này đạt 5,18 điểm, giảm 0,53 điểm so với năm 2013, giảm 32 bậc và xếp thứ 48/63 tỉnh thành, xếp thứ 5/13 tỉnh ĐBSCL (năm 2013 xếp thứ 16/63 tỉnh thành). Chỉ số cạnh tranh bình đẳng: đạt 4,78 điểm, giảm 3,41 điểm so với năm 2013, giảm 40 bậc và xếp thứ 41/63 tỉnh thành, xếp thứ 11/13 tỉnh ĐBSCL, (năm 2013 điểm số đạt 8,19 điểm xếp hạng 1/63 tỉnh thành so cả nước). Qua kết quả và phân tích để thấy rõ và nhằm triển khai thực hiện tốt hơn trong năm 2015 và những năm sau với mục tiêu năm 2015 phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh giữ và vượt thứ hạng so năm 2014. Để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau: Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 07/11/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó chú trọng đặc biệt đến các chỉ số giảm vị trí xếp hạng hoặc xếp hạng thấp trong bảng xếp hạng PCI. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành và địa phương, cần tăng cường công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung rà soát các chỉ số thành phần chậm được cải thiện có liên quan đến sở, ngành, địa phương và đề ra các giải pháp để nâng cao các chỉ số còn thấp hoặc dưới trung bình, cụ thể là: * Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: - Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai; chỉ đạo tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Công khai quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Công bố các dự án đầu tư, phương án bồi thường trước khi thu hồi đất. Rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phù hợp với Luật Đất đai. Xây dựng khung giá đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo sát giá thị trường, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư. Thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công khai quy trình, thủ tục trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của ngành. * Phát huy tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh: Lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành có hiệu quả đối với tất cả các lĩnh vực. Đồng thời thường xuyên kiểm tra thái độ làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hành chính công có liên quan đến công dân, doanh nghiệp; kiểm tra để nhắc nhở kịp thời; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao đạo đức phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ để công tác hành chính công đạt hiệu quả. Kiên quyết chống các hiện tượng sách nhiễu, vòi vĩnh trong các bộ phận. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hành chính. * Đào tạo lao động: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện khảo sát có chất lượng nhằm đánh giá đúng nhu cầu đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với mục tiêu giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng và giảm chi phí đào tạo lao động. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở dạy nghề, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực. Tăng cường tuyên truyền về dạy nghề và học nghề; nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề; coi trọng việc gắn kết các trường đào tạo nghề với các doanh nghiệp. Phát huy vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm, là cầu nối giữa doanh nghiệp. * Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch, cùng các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã,thành phố theo dõi nâng cao chỉ số này. * Cạnh tranh bình đẳng: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt, đối xử và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp cận các cơ hội đầu tư, thủ tục hành chính, chế độ chính sách, các nguồn lực, đất đai, tín dụng.

Ng.Lê Hồng

Theo Báo Kiên Giang ngày 10/06/2015