Kiên Giang quyết “lội ngược dòng” về chỉ số năng lực cạnh tranh
UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang hội nhập và phát triển” giai đoạn 2022-2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI thuộc nhóm khá.
Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 60/63 tỉnh, thành cả nước, cùng với đó là chỉ số cải cách hành chính cũng xếp hạng thấp nhất cả nước là 63/63 tỉnh, thành phố. Trước thực trạng này, Ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh đang rất quyết liệt vào cuộc để xử lý vấn đề.
Chỉ đạo về vấn đề này, chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, rà soát tổng thể toàn bộ những công việc, những khâu mà năm qua đã làm để xem từng kết quả, từng chỉ số cái nào được hay chưa được, cần tăng cường giải pháp gì. Tập trung giải quyết tốt vấn đề các chỉ số xếp hạng thấp, đặt ra mục tiêu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động, các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh; đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI thuộc nhóm khá, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 1,76%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 10%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 260.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm từ 35.000 lượt lao động trở lên mỗi năm.
Theo UBND tỉnh, phát động phong trào thi đua nhằm tạo động lực góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với các nội dung chủ yếu dành cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
Thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính quyền điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước thông qua môi trường mạng, đảm bảo hàng năm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gắn kết với hoạt động của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu... Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân của tỉnh tham gia tiến trình hội nhập quốc tế.
Theo Báo Lao động