The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kiên Giang: Tổng lực hút đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng khẳng định: Thời gian tới, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút hơn nữa các nguồn vốn vào tỉnh.

Kiên Giang đã thu hút được 712 dự án, trong đó 47 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư 539.759 tỷ đồng. Trong đó, có 375 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 118.001 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã thu hút đầu tư được 24 dự án mới với số vốn đầu tư đăng ký 40.313 tỷ đồng.

- Khi triển khai các dự án lớn thường phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư.... Tỉnh giải quyết vấn đề này như thế nào?

Có thể nói không chỉ riêng Kiên Giang mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là ở các địa phương có thu hút nhiều dự án đầu tư thì vấn đề bồi thường, GPMB luôn hết sức khó khăn. Song do đã xác định rõ công tác bồi thường, GPMB là trách nhiệm của chính quyền địa phương nên trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang luôn chỉ đạo sát sao UBND các huyện, thị, thành phố phải chủ động, kịp thời và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB để giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án; đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

Yêu cầu các huyện thị, xã phường... phải tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại của người dân xung quanh vấn đề đền bù, hỗ trợ tái định cư trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Bên cạnh đó, để giúp cho các địa phương đã và đang tập trung nhiều dự án cần thu hồi đất, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, các Tổ công tác gồm các cán bộ chuyên môn của các Sở, ngành cấp tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương về áp dụng cơ chế, chính sách và đề xuất xử lý các vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, định kỳ hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức Đoàn công tác làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, trong đó có công tác GPMB.

p/Ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ thăm KCN Thạnh Lộc - Kiên Giang

Ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ thăm KCN Thạnh Lộc - Kiên Giang

- Môi trường đầu tư của Kiên Giang đã được cải thiện nếu nhìn vào bảng xếp hạng, tổng điểm Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Tuy nhiên, vẫn có 5/10 chỉ số được đánh giá thấp, theo ông nguyên nhân vì đâu?

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan làm giảm điểm của 5/10 chỉ số thành phần, cụ thể, về chủ quan, sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp giữa một số sở, ban, ngành và địa phương trong giải quyết các TTHC công còn chưa chặt chẽ, thời gian thực hiện các thủ tục còn kéo dài. Một bộ phận cán bộ, công chức về trình độ, năng lực còn hạn chế và thái độ phục vụ chưa tốt. Còn về yếu tố khách quan, do nhiều văn bản mới được ban hành và triển khai thực hiện, bước đầu gây lúng túng trong áp dụng, giải quyết các TTHC ở sở ngành và địa phương, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai.

- Vậy trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ có những chính sách, hoạt động như thế nào để nâng cao chỉ số này?

Việc PCI của tỉnh liên tục giảm điểm ở một số chỉ số thành phần, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị toàn tỉnh để phân tích, đánh giá tìm nguyên nhân cũng như thống nhất giải pháp khắc phục. Theo đó, chúng tôi tập trung trọng tâm vào 7 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện CCHC giai đoạn 2016 - 2020, trọng tâm là cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết, đưa 100% TTHC vào thực hiện theo cơ chế một cửa và cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại; sớm xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh; mở rộng thực hiện cơ chế một cửa đối với TTHC ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ ở một số Sở, ngành và địa phương; nhất là các sở, ngành trực tiếp liên quan nhiều thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, … để chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, yếu kém của cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.

Thứ ba, tiếp tục rà soát các TTHC, giảm thiểu quy trình, thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đối với các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, giấy phép xây dựng...

Từ năm 2017, Kiên Giang giao trách nhiệm cho lãnh đạo các sở, ngành phụ trách từng chỉ số thành phần PCI, nếu giảm điểm, giảm hạng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Thứ tư, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công bao gồm dịch vụ hành chính công do các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ năm, công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở cấp địa phương nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án đền bù GPMB...

Thứ sáu, xây dựng các chương trình hỗ trợ DN nhất là các DNNVV, DN mới thành lập về: tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, quảng bá thương hiệu, cơ chế, chính sách ưu đãi...

Thứ bảy, tăng cường tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, Sở, ngành và UBND cấp huyện với DN, nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo qua các buổi đối thoại, làm việc và công khai kết quả giải quyết đến người dân, DN cũng như công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Hiện vẫn có một số ý kiến phản ánh từ DN về tình trạng lãnh đạo tỉnh thì tích cực nhưng một số cán bộ trực tiếp làm việc với DN vẫn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền; nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông làm việc trực tiếp với DN và nhà đầu tư; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực thi công vụ. Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, xử lý những kiến nghị và kết quả giải quyết TTHC để người dân, DN phản ánh. Đồng thời, thực hiện xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho DN và nhà đầu tư khi thi hành công vụ.

- Để mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Kiên Giang đã có những việc làm cụ thể như thế nào thưa ông?

Để đạt được mục tiêu này Kiên Giang đã tập trung thực hiện một số giải pháp, cụ thể, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng: Tăng cường công tác phối hợp thực hiện quy trình một cửa liên thông đăng ký kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập mới còn 02 ngày, đăng ký thay đổi tối đa là 01 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được rút ngắn...

Ngoài ra, hàng quý tổ chức đối thoại giữa chính quyền và DN và trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đối thoại với DN trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh công khai minh bạch thông tin và phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, thực hiện cơ chế một cửa tại 19 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 15 huyện, thị xã, thành phố và 145 xã phường thị trấn; thực hiện mô hình cơ chế một cửa điện tử tại 15 các huyện, thị xã, thành phố… - Xin cảm ơn ông!