The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Kiến nghị cần có sự sửa đổi 37 luật về đầu tư, kinh doanh

Mặc dù Chính phủ đã ban hành các luật, nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), nhưng hiện tại, hệ thống luật pháp vẫn còn khá phức tạp, khó tiên liệu, gây không ít khó khăn cho DN, nhất là DN khởi nghiệp. Đó cũng là vấn đề được nêu tại buổi “Đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” do Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.

Doanh nghiệp “kêu như vạc”

Con số rà soát mà VCCI đưa ra cho thấy có đến 37 luật với 100 điều cần có sự sửa đổi, bổ sung. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) - nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nằm rải rác trong các luật khác gây chồng chéo, mâu thuẫn nhau, bao gồm: Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt...

Ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Kinh tế địa chất Việt Nam - cho biết, thực tế cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam mới có hiệu lực đã phải rà soát để sửa. DN hiện nay rất khổ vì các luật khác nhau dẫn tới các quy định về thanh-kiểm tra cũng khác nhau. Mỗi năm có tới vài chục cuộc thanh tra, kiểm tra. “Tại sao cùng một nội dung giống nhau, cùng một quy định, mà 2-3 cơ quan không thể cùng thông qua để giảm thiểu gánh nặng cho DN” - ông Thụ bức xúc.

Bà Đinh Thị Kim Anh - đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - cho rằng, nhiều nghị định hướng dẫn luật nhưng quy định chặt hơn cả luật với nhiều điều kiện khắc nghiệt. “Giấy chứng nhận đăng ký DN về cơ bản làm theo cách cũ nhưng một số nội dung như đăng ký thuế, văn phòng đại diện, cổ đông của Cty... lại không có. Quy định mới nhìn qua thì thông thoáng nhưng lại rất vướng mắc vì theo luật mới DN phải làm một loạt hồ sơ, văn bản khác. Mọi người vẫn đùa là có giấy phép con “đính kèm”” - bà Kim Anh nói. Ngoài ra, trong quá trình thi hành luật mới, một số vướng mắc mà DN gặp phải là việc tự áp mã ngành kinh tế quá rắc rối và thường bị từ chối khi nộp hồ sơ lên sở KHĐT. Quy định mới hiện nay cho phép DN không phải xin phép cơ quan công an mà được quyền tự khắc con dấu. Tuy nhiên, DN vẫn phải đăng ký lên cổng thông tin, sau đó phải mất 3 ngày con dấu mới được phép có hiệu lực. “Nếu vừa đi khắc dấu vừa đi đăng ký thì DN “xác định” phải mất một tuần, không khác gì như đăng ký qua cơ quan trước đây” - bà Anh nói.

Tuy nhiên, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) - cho biết: “Thông tin phải công bố con dấu và mất 3 ngày sau mới có hiệu lực chỉ là quy định cũ trước đây. Đến bây giờ quy định này không còn hiệu lực nữa, DN chỉ cần đến nộp hồ sơ thông báo mẫu dấu là hoàn tất vì quy trình con dấu hoàn toàn tự động”. Mặt khác, ông Tuấn cũng cho biết: “Việc công bố mẫu dấu trên cổng thông tin quốc gia không phải là điều kiện tiên quyết để con dấu có hiệu lực, kể cả khi DN không công bố thì con dấu vẫn có hiệu lực bình thường. Chỉ có điều là trong trường hợp này, DN đã vi phạm nghĩa vụ không cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 50”. Về vấn đề áp mã ngành kinh doanh, ông Tuấn khẳng định, thông tin DN bị từ chối khi đăng ký mã ngành không có trong phạm vi quản lý là không đúng. Trong trường hợp không có trong mã ngành, DN vẫn có thể đăng ký bình thường, song cần thông báo lại cho Tổng cục Thống kê để kiểm soát. “Việc áp mã ngành không chỉ phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước mà còn phục vụ cho chính cộng đồng DN một môi trường kinh doanh an toàn hơn” - ông Tuấn khẳng định.

Nhiều ý kiến kiến nghị bỏ hẳn Luật Đầu tư

Đáng chú ý tại hội thảo, luật sư Ngô Việt Hòa (Cty General Motor) cho rằng, Luật Đầu tư lẽ ra chỉ nên quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện đang điều chỉnh cả hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Còn nội dung về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì lẽ ra phải đưa vào Luật Doanh nghiệp, như vậy, nội hàm của Luật Đầu tư không còn nhiều. Điều quan trọng nhất là Luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư, trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng cho biết, ý kiến cá nhân ông là không cần thiết phải có Luật Đầu tư. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông ghi nhận ý kiến góp ý trên và hứa sẽ nghiên cứu kỹ để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

KHÁNH LINH

Báo Lao Động